Hợp Thanh - cây cầu bao đời mong ước

30/06/2010 06:26

Ước mơ tự bao đời nay của người dân 6 xã khu đảo Hà Đông (Thanh Hà) nay đã trở thành hiện thực. Cây cầu Hợp Thanh hoàn thành chẳng những giúp Hà Đông phá thế bị sông nước cô lập, mà còn tạo ra cơ hội lớn để khu vực này cũng như cả huyện Thanh Hà phát triển.



Cầu Hợp Thanh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thanh Hà phát triển


Những ngày này, thật khó tả nổi niềm vui sướng của người dân Thanh Hà khi cầu Hợp Thanh nối đôi bờ sông Gùa chính thức đưa vào sử dụng. Cũng từ thời điểm này, cảnh đò giang cách trở và hình ảnh từng đoàn người chen chân dưới nắng, dưới mưa để tìm chỗ đứng trên phà sẽ lùi vào quá khứ.

Trước ngày cây cầu chính thức khánh thành, trong lúc đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các nhà thầu thi công đang hối hả chạy đua với thời gian để hoàn thành các hạng mục cuối cùng thì từng đoàn xe, đoàn người đã tấp nập qua cầu. Phóng tầm mắt về phía Hà Đông - vùng đất xa xôi, nhưng nay đã gần lắm với huyện lỵ Thanh Hà - anh Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Licogi 18.6 không giấu nổi tự hào: "Đơn vị đã từng thực hiện những công trình có khối lượng thi công rất lớn, như cầu Trà Khúc vượt sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), cầu Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn hay cầu vượt quốc lộ 2 trên địa bàn Vĩnh Phúc, song chưa bao giờ có cảm giác lạ lẫm như lần này. Lạ ở chỗ, tiến độ thi công cây cầu này thường xuyên nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Hầu như ngày nào cũng có người dân dừng xe ở khu vực thi công hỏi: "Bao giờ đi được hả anh? Sao lâu thế?". Anh Chung nói tiếp: "Có sự quan tâm như vậy do cây cầu có ý nghĩa dân sinh rất lớn. Nhưng lâu cũng có lý do riêng. Lâu không phải chủ đầu tư thiếu đôn đốc hay nhà thầu không nhiệt tình xây dựng, mà lâu còn do kết cấu địa chất khu vực làm cầu rất phức tạp. Để có cây cầu phục vụ bà con như bây giờ, đội ngũ cán bộ, kỹ sư đã phải thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, có hố móng sâu tới 17 mét so với mặt sông Gùa…”

Cùng với niềm tự hào của đội ngũ cán bộ thi công công trình là niềm vui sướng khôn tả của người dân đôi bờ. Năm nay đã 73 tuổi, nhưng bác Nguyễn Văn Sử ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn cho biết: Ngày nào tôi cũng đạp xe qua lại 2 bờ. Ngoài việc đáp ứng niềm mong mỏi bao đời của người dân, rồi đây, vùng đất tưởng chừng đã "ngủ quên" này sẽ bừng tỉnh giấc, và cây cầu chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng này phát triển ngày càng mạnh mẽ. Cũng với những ý nghĩ như bác Sử, ngày 7-5, có mặt trong lễ hợp long cầu Hợp Thanh, bác Nguyễn Văn Quảng (sinh năm 1930, ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt) cho biết: Là cán bộ nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi nên tôi thường đạp xe đến xem công nhân làm việc. Cây cầu đưa vào sử dụng sớm ngày nào là hạnh phúc sớm cho người dân ngày ấy. Ngoài thúc đẩy kinh tế vùng, việc học hành của con em người dân 2 bên bờ sông chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Bác Quảng cũng hy vọng cây cầu sẽ là sợi chỉ gắn chặt hơn tình nghĩa đôi bờ, bởi bây giờ chỉ 2 phút qua cầu sẽ thay thế cho 45 phút chờ phà trước đó.

Sau bao khó khăn, vướng mắc, cùng với sự nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, niềm ước vọng trăm năm của người dân nơi đây đã thành hiện thực. Để cây cầu đưa vào sử dụng, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan công trình đã phải qua mấy lần thay đổi chủ đầu tư cùng các nhà thầu thi công. Từ tháng 5-2004, công trình đã được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 1-2006. Khi đó, được sự đồng ý của tỉnh, UBND huyện Thanh Hà làm chủ đầu tư công trình. Song quá trình triển khai dự án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và phải thiết kế điều chỉnh bổ sung một số hạng mục. Đồng thời, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và các đơn vị thi công rút khỏi dự án nên công trình đã không hoàn thành theo tiến độ dự kiến. Ngoài ra, đã phát sinh nhiều vấn đề cần phải có sự trực tiếp quản lý, điều hành, giải quyết của cơ quan chuyên môn. Do đó, tháng 4-2007, UBND tỉnh có quyết định giao Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, chủ đầu tư mới đã cử các cán bộ chuyên môn có trình độ và kinh nghiệm tập trung nghiên cứu hồ sơ, tài liệu dự án để kiến nghị UBND tỉnh các phương án xử lý tồn tại, cũng như đề xuất biện pháp thi công nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng. Sau khi tổ chức mở thầu, khối lượng thi công còn lại đã được giao Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18; Liên danh Xí nghiệp Tư doanh vận tải Hồng Lạc - Công ty CP Công trình giao thông Hải Phòng thi công. Gần 3 năm sau, cây cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực đã được hoàn thành. Toàn bộ cây cầu dài 363 mét, bề rộng cầu 7mét; kết cấu nhịp chính là dầm hộp liên tục bê-tông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng. Theo chủ đầu tư, tổng mức đầu tư toàn bộ công trình theo thời giá năm 2003 hơn 40,8 tỷ đồng, theo giá hiện nay gần 95 tỷ đồng.

Như vậy, với việc thông xe cầu Hợp Thanh, sự kết nối giao thông đường bộ của 6 xã khu Hà Đông với hệ thống giao thông của tỉnh, khu vực và quốc gia đã thành hiện thực. Đồng thời, việc chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ và đi lại của nhân dân được thuận tiện dễ dàng hơn, không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm chi phí, góp phần thúc đẩy kinh - tế xã hội địa phương phát triển.

Bài và ảnh:
TIẾN HUY

(0) Bình luận
Hợp Thanh - cây cầu bao đời mong ước