“Đón giao thừa” là tứ thơ lạ của nhà thơ Vũ Quần Phương. Lạ không phải trong tìm tòi lập tứ, câu chữ. Lạ ở đây là không gian địa lý: Người Việt đón giao thừa ở một đất nước khác, có nền văn hóa, văn minh khác, cách nhau múi giờ gần mười hai tiếng. Lúc ở Việt Nam đón giao thừa thì ở Mỹ (nơi nhà thơ đang đón Tết Việt) là ban trưa: “Ngày giữa tuần, phố đang trưa”. Chính trong hoàn cảnh ấy mới thấm hiểu nỗi niềm của người dân Việt xa quê. Một không gian Việt, một tâm linh Việt, những con người Việt, một tâm hồn Việt được giới hạn trong một căn nhà mà “Ngoài căn nhà này là nước Mỹ”. Cái sự ngăn cách này chỉ là tương đối bởi trong căn nhà Việt: “Là đèn nhang, con cháu, giao thừa”. Sự
ĐÓN GIAO THỪA
Trong căn nhà này là nước Việt Là đèn nhang con cháu, giao thừa Ngoài căn nhà này là nước Mỹ Ngày giữa tuần, phố đang trưa
Hàng xóm đi làm yên tĩnh quá Nhà ta đón Tết với riêng mình Một năm gom lại bao thương nhớ Một đời đồng bãi lũy tre xanh…
Ừ vui, vui chứ! Vui cay mắt Đời người năm tháng... như chiêm bao Bờ kia làng xóm, đây con cháu Giữa Thái Bình Dương nó thế nào. VŨ QUẦN PHƯƠNG |
sum họp đầm ấm của một cộng đồng nhỏ giữa không gian: “Hàng xóm đi làm yên tĩnh quá/Nhà ta đón Tết với riêng mình”. Có gì thổn thức mà vẫn lan tỏa ấm nồng. Có lẽ trong làn khói hương trầm thơm ngát đã làm sống dậy bao kỷ niệm thân thương mà chính thời điểm lắng đọng này con người mới tĩnh tại để: “Một năm gom lại bao thương nhớ/Một đời đồng bãi lũy tre xanh”. Tôi rất thích hai câu thơ này như hai vế đối về thời gian, không gian về thế sự, quá khứ, hiện tại. Chữ “Gom” như cánh tay áo lùa vào mình, ôm trọn vào mình, chiu chắt và nâng niu. “Gom” như động thái của người nông dân gặt lúa trên đồng vậy. “Gom” là khao khát muốn được sẻ chia lại vừa ríu rít cái niềm vui nhỏ nhoi anh ánh trong mình. Nhưng đến “Một đời đồng bãi lũy tre xanh” là điểm nhấn dâng trào nỗi nhớ thương da diết mà hình ảnh cây tre như một biểu tượng hồn quê, khí phách của nước Việt nhoi nhói, vút hiện trên phù sa tình nghĩa thủy chung của “Một đời đồng bãi”. Sự dịch chuyển thời gian từ “Một năm” đến “Một đời” chính là sự vận động cảm xúc, cảm giác là kinh nghiệm sống thường thấy trong thi pháp thơ Vũ Quần Phương. Như trước đó ông đã rất thành công trong bài “Đợi”: “Đợi một ngày đất lạ thành quen/Đợi một đời em quen thành lạ”. Chính trong khung cảnh “Đón giao thừa” này con người mới ngẫm nghĩ nhiều về thời gian - một đại lượng trung tính mà tạo ra nhiều phấp phỏng, thảng thốt có nỗi đợi chờ, có niềm hy vọng. Chính khổ thơ giữa như một nốt lặng của đợt sóng trầm tư, trầm mặc để tạo cho cao trào đợt sóng mới của khổ thơ cuối như dây nổ chậm cháy bén vào ngòi pháo để tiếng pháo nổ trong cái niềm trực cảm vỡ òa: “Ừ vui, vui chứ! Vui cay mắt”. Ba tâm trạng có an ủi, có trào dâng và nghẹn đắng cùng xuất hiện trong tâm thế một con người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Chính điều này làm cho thơ Vũ Quần Phương đời hơn. Ông lấy chiêm nghiệm rất thật của lòng mình để bộc lộ một nỗi niềm có chút gì đó thật hồn nhiên nhưng thoáng chốc lại trở về ngẫm ngợi: “Đời người, năm tháng… như chiêm bao”. Một bài thơ ngắn mà nhà thơ nhắc đến hai lần “Đời người”. Phải chăng chỉ có khi xa xứ người ta mới nghĩ nhiều về phận người, giá trị hằng sống của người.
Hai câu thơ kết mở như một lời độc thoại tự vấn và tự tin: “Bờ kia làng xóm, đây con cháu/Giữa Thái Bình Dương nó thế nào” tạo ra sự bâng khuâng, tiếc nuối nhưng cũng đầy cảm thông chia sẻ. Một thế cân bằng động của một tâm hồn Việt trung dung mà rộng lượng bao dung biết bao.“Đón giao thừa” đóng góp vào vườn thơ Tết một tứ thơ lạ, một tâm trạng lạ nhưng lại rất quen, rất gần gũi với tâm thức Việt. Bởi văn hóa Việt, tâm linh Việt đã neo lại dù ở bất cứ phương trời xa lạ nào cội nguồn sâu thẳm đó là “Hồn quê Việt”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ