Hơn 500.000 thí sinh làm bài tổ hợp Khoa học xã hội

24/06/2017 08:09

Sáng 24.6, nhiều thí sinh căng thẳng trước khi vào phòng thi do 3 môn Lịchsử, Địa lý, Giáo dục công dân có khối lượng kiến thức rất lớn.

Hơn 500.000 thí sinh sẽ làm bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia vào sáng 24.6. Các em phải làm 120 câu hỏi bài tổ hợp Khoa học xã hội, gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thời gian mỗi môn 50 phút. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi THPT quốc gia những môn khoa học xã hội áp dụng hình thức trắc nghiệm; cũng là lần đầu tiên Giáo dục công dân được đưa vào thi.

Không còn phải học thuộc lòng các sự kiện Lịch sử, dữ liệu Địa lý..., nhưng do đề trắc nghiệm "phủ" toàn bộ chương trình lớp 12 nên các sĩ tử phải ôn tập nhiều.

hon-500000-thi-sinh-lam-bai-to-hop-khoa-hoc-xa-hoi

Thí sinh thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Bài tổ hợp gây khó khăn cho em vì phải mất rất nhiều thời gian ôn tập kiến thức của nhiều môn. Kiến thức Lịch sử, Địa lý đều đồ sộ. Việc đề trải đều nội dung học từ đầu đến cuối năm khiến em lo không biết đã ôn tập đủ chưa", Nguyễn Hồng Nhung (THPT Việt Trì) nói. Sĩ tử cho biết hiện nắm được 70% kiến thức các môn trong bài tổ hợp Khoa học xã hội.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay số thí sinh đăng ký bài tổ hợp Khoa học xã hội cao hơn bài Khoa học tự nhiên. Cụ thể, có hơn 510.000 em sẽ thi môn Lịch sử; gần 500.000 thi Địa lý và hơn 430.000 thi Giáo dục công dân. Không ít thí sinh cho biết, chỉ chọn tổ hợp Khoa học xã hội thi để dễ dàng xét tốt nghiệp.

Theo quy chế, để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Nếu muốn tăng cơ hội xét tuyển đại học, thí sinh có thể chọn thi cả hai bài tổ hợp.

Trừ Văn các môn đều thi trắc nghiệm nên công tác chấm thi sẽ rất nhanh. Dự kiến ngày 7.7 thí sinh biết điểm thi THPT quốc gia.

Quỳnh Trang (VnExpress)

(0) Bình luận
Hơn 500.000 thí sinh làm bài tổ hợp Khoa học xã hội