Đến thời điểm này, thí sinh đăng ký dự thi đã vượt so với tổng số thí sinh dự thi đợt 1 của năm 2015 (hơn 40.000 thí sinh).
Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Cụm 1, điểm thi Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2015
Thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 10-3 cho biết sau 1 tuần mở cổng đăng ký dự thi trực tuyến (từ ngày 2 đến 9-3), đã có hơn 50.000 thí sinh đăng ký dự thi thành công kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 để tuyển sinh vào đại học chính quy của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016.
Đến thời điểm này, thí sinh đăng ký dự thi đã vượt so với tổng số thí sinh dự thi đợt 1 của năm 2015 (hơn 40.000 thí sinh).
Trong kỳ thi đợt 1, nhằm đảm bảo các điều kiện tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc tổ chức thi, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ chỉ nhận tối đa 70.000 hồ sơ.
Do vậy, nếu số lượng thí sinh đăng ký đủ 70.000 hồ sơ đến trước ngày 22-3 (thời hạn cuối cùng để đăng ký dự thi đợt 1), Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ dừng việc đăng ký dự thi đợt 1 tại thời điểm đó.
Ghi nhận trong tuần đầu tiên đăng ký dự thi, dù Đại học Quốc gia Hà Nội tạo điều kiện và khuyến khích thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại nhưng tại Trung tâm khảo thí và Kiểm định chất lượng của Trường vẫn có rất nhiều thí sinh và người nhà đến đăng ký trực tiếp. Những thí sinh này đều háo hức và muốn thử sức với một kỳ thi mới mẻ.
Là một trong số các thí sinh đến đăng ký dự thi tại Trung tâm khảo thí và Kiểm định chất lượng, Võ Phương An, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết em học gần đây nên tới đăng ký và nộp lệ phí trực tiếp cho tiện.
Chia sẻ về phương thức thi đánh giá năng lực, An cho biết, dù chưa làm bài thi thử nhưng em thấy thi theo hình thức này đỡ áp lực hơn. Đồng thời, khi đến đây, được các thầy cô và anh chị tình nguyện viên tư vấn, giúp đỡ nên em cũng thấy yên tâm và hy vọng sẽ đạt kết quả tốt.
Bên cạnh kiến thức được học trên lớp, An cho biết sẽ cố gắng ôn tập và mở rộng các nội dung thực tế để sẵn sàng bước vào kỳ thi sắp tới.
Hoàng Việt Dũng, học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho biết tuy có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến nhưng em vẫn muốn đến tận trường để có thể tìm hiểu rõ hơn về phương thức thi này.
Ngoài việc đăng ký dự thi, em còn muốn được tư vấn về cách thức đăng ký xét tuyển, hiểu rõ hơn về từng mã ngành của các trường thành viên và khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để lựa chọn ngành học phù hợp với mình.
Chị Văn Thị Mai Hoa, một phụ huynh học sinh đến đăng ký dự thi cho con cũng chia sẻ gia đình biết đến kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, gia đình quyết định hướng cho con thi vào trường này vì cách tổ chức thi thuận tiện, chỉ cần làm một bài thi trong 195 phút, không phải thi nhiều môn, trong nhiều ngày.
Kiến thức bài thi tổng hợp, bao gồm cả kiến thức trong sách vở và vốn hiểu biết thực tế nên gia đình rất muốn cho con thử sức.
Ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết một trong những điểm quan trọng của kỳ thi đánh giá năng lực là tính ổn định của đề thi. Đề thi đã được chuẩn hóa, được thử nghiệm với học sinh lớp 12, đảm bảo cân bằng độ khó.
Bộ đề phong phú, được sàng lọc và bổ sung thường xuyên nên sẽ không có trung tâm nào tổ chức luyện thi được. Thí sinh chỉ cần ôn tập, nắm vững kiến thức cơ bản, đặc biệt là năm lớp 12 là có thể tự tin làm bài, không nên tin vào những đề thi trôi nổi trên mạng.
Ông Sái Công Hồng cũng chia sẻ một nghiên cứu của Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng về tương quan giữa điểm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và điểm thi kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo đó, những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực cao thì cũng có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia tính theo tổng điểm 3 môn của các khối thi truyền thống cao.
Tuy nhiên, xét theo chiều ngược lại, những thí sinh có tổng điểm 3 môn thi Trung học phổ thông quốc gia cao lại chưa chắc có kết quả thi đánh giá năng lực cao.
Ông Hồng cho rằng hiện nay, nhiều học sinh xác định khối thi theo các tổ hợp 3 môn truyền thống và chỉ tập trung học các môn này dẫn đến học lệch. Trong khi đó, bài thi đánh giá năng lực đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức một cách toàn diện.
Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh vào đại học chính quy bằng bài thi đánh giá năng lực. Với cách thức tiên tiến, kỳ thi đã được xã hội đánh giá cao về sự tiến bộ và tính đột phá trong phương thức kiểm tra đánh giá.
Các thí sinh chỉ làm duy nhất một bài thi tổng hợp toàn diện kiến thức gồm 140 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian làm bài là 195 phút, các môn Ngoại ngữ là 90 phút.
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2016 của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 8-5 và từ 13 đến 15-5 tại 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng.
Theo TTXVN