Nhiều xạ thủ đã thành danh như Trần Quốc Cường, Nguyễn Văn Tùng, Phạm Thị Hà... đều được sự dìu dắt của huấn luyện viên lão luyện này...
Gần trọn cuộc đời với bộ môn bắn súng, ông Tài đã huấn luyện được nhiều vận động viên đạt thành tích cao cho tỉnh
"Đến nay, tôi đã có 43 năm gắn bó với môn bắn súng của tỉnh cũng như của quốc gia. Tôi luôn mong muốn môn bắn súng của tỉnh không ngừng được quan tâm phát triển để trở thành môn vàng của thể thao Hải Dương". Đó là lời tâm sự, niềm mong mỏi của ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh, kiêm huấn luyện viên đội tuyển bắn súng trường nam tỉnh.
Nhiều cống hiếnNói đến ông Tài trong làng bắn súng Việt Nam hầu như ai cũng biết do ông là người có thâm niên gắn bó với nghề và có nhiều đóng góp quan trọng cho bộ môn bắn súng của quốc gia, của tỉnh.
Ông đến với môn bắn súng thật tình cờ. Mùa hè năm 1972, chàng thanh niên 17 tuổi Nguyễn Văn Tài được địa phương chọn vào Đại đội Quyết tử bảo vệ thị xã Hải Dương làm nhiệm vụ cứu thương, cứu sập. Trong một buổi đơn vị tập bắn súng, huấn luyện viên (HLV) Trương Thanh của Trường bắn Hải Dương đến vừa hướng dẫn vừa tuyển chọn vận động viên (VĐV) cho đội tuyển tỉnh. Dường như sinh ra để dành cho môn bắn súng nên buổi bắn đạn thật đầu tiên, ông Tài bắn 3 viên được 28 điểm. Kết quả trên khiến HLV Trương Thanh rất ấn tượng và mời tuần sau đến trường bắn kiểm tra lại, rồi tuyển vào đội bắn súng trường của tỉnh.
Đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, thành tích bắn súng của ông tiến bộ từng ngày. Ngay cuối năm đó, ông đại diện cho đội tuyển của thị xã Hải Dương tham gia giải bắn súng phổ thông của tỉnh và đã giành 2 huy chương vàng (HCV) ở nội dung súng trường 3 tư thế và súng trường nằm bắn. Với thành tích xuất sắc này, năm 1973, ông được gọi lên tập huấn ở đội tuyển quốc gia. Thời gian tập ở đây, ông Tài đã được tặng bằng khen về thành tích tập luyện, thi đấu và được công nhận VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Sự nghiệp VĐV liên tục đến năm 1985 và ông Tài đã giành được nhiều thành tích cao cho thể thao Hải Dương. Rất tiếc, giai đoạn này, bắn súng Việt Nam chưa tham gia thi đấu giải quốc tế. Trong đó, dấu ấn quan trọng là năm 1980, tại giải vô địch toàn quốc, ông giành được 1 HCV đồng đội, 1 huy chương bạc cá nhân, giúp Hải Dương lần đầu tiên xếp thứ nhất toàn đoàn.
Năm 1990, ông Tài chuyển sang làm HLV và nhiều năm giữ cương vị Trưởng bộ môn bắn súng tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắn súng tỉnh. Ông cũng là một trong số ít HLV của tỉnh có hơn 10 năm làm HLV nội dung súng trường cho đội tuyển quốc gia. Thời gian làm công tác huấn luyện, ông có công đào tạo, huấn luyện nhiều thế hệ VĐV của đội tuyển quốc gia, đội tuyển tỉnh giành nhiều HCV ở giải vô địch Đông Nam Á, SEA Games.
Năm 2010, ông Tài được tín nhiệm giao giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh và hiện nay vẫn kiêm HLV Đội tuyển súng trường nam của tỉnh.
Tâm huyếtNhắc đến ông, những người trong ban lãnh đạo, HLV, VĐV của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh đều ghi nhận là người tâm huyết với nghề, trách nhiệm, tận tình với công việc.
Ngoài công việc chung, ông Tài được phân công trực tiếp phụ trách chỉ đạo bộ môn bắn súng, bắn cung. Với vai trò quản lý, ông đều nỗ lực làm việc, luôn quan tâm sát sao đến công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu của các đội tuyển để tìm ra biện pháp khắc phục hạn chế nhằm đạt kết quả cao nhất. Ông luôn chủ động tham mưu, bảo đảm những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, chế độ dinh dưỡng cho VĐV tập luyện, thi đấu; quan tâm điều trị chấn thương cho VĐV. Theo ông Tài, có như vậy thì trong thời gian tập luyện, VĐV mới bảo đảm được an toàn, đạt kết quả theo yêu cầu đặt ra. Ông luôn căn dặn các HLV cần tích cực quản lý, chăm sóc VĐV khi đi tập huấn, thi đấu ở tỉnh ngoài, tránh để xảy ra những rủi ro không đáng có. Và, HLV phải thực sự là người thầy, người bạn của VĐV.
Qua thời gian dài mấy chục năm làm công tác huấn luyện, ông Tài luôn nghiêm túc, tận tâm với công việc. Ông rút ra kinh nhiệm, để có một VĐV xuất sắc, ngoài năng khiếu, HLV cần trang bị cho họ kỹ thuật cơ bản, thể lực chung, sức bền chuyên môn thật tốt, đó là nền móng của thành công. Làm công tác huấn luyện, ông luôn sát sao, uốn nắn cho VĐV từng động tác kỹ thuật cũng như kỹ năng sống. Môn bắn súng ngoài kỹ thuật thì tâm lý thi đấu cực kỳ quan trọng. Do đó, ông dành nhiều thời gian theo dõi, tìm hiểu nhằm nắm bắt được trạng thái, diễn biến tâm lý của từng VĐV để điều chỉnh kịp thời.
VĐV Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Nhiều năm nay em liên tục được HLV Tài dẫn dắt. Thầy đối với chúng em hầu như không có khoảng cách, vừa như người bạn vừa là người thầy, mà cũng như người cha. Mỗi khi chúng em gặp khó khăn trong cuộc sống cũng như chuyên môn, thầy đều nhiệt tình chia sẻ, tìm cách tháo gỡ. Trước đây, khi tham gia các giải đấu lớn, đến cuối bài thi do sức ép, căng thẳng tâm lý, VĐV thường bị đau bụng, một số giải đã phải bỏ cuộc. Biết được hạn chế đó, thầy Tài tìm cách khắc phục là cho em nghỉ ít phút, yêu cầu hít thở sâu, làm một vài động tác thả lỏng cơ thể, động viên không quá nặng nề về thành tích... Điều đó không chỉ giúp em khắc phục được nhược điểm mà còn đạt được thành tích cao trong thi đấu".
Không chỉ là người cán bộ, HLV tận tâm, ông Tài còn là người chồng, người cha gương mẫu. Ông có 2 người con, trong đó người con gái út là Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1979) cũng theo nghiệp cha. Trước đây, chị là VĐV nội dung súng trường, hiện nay là HLV của nội dung này ở tuyến trẻ. Chị Trang cho biết, ông không chỉ là người cha mà còn là người thầy dạy chị từ ngày đầu cầm súng. Những kinh nghiệm, kỹ thuật của bố truyền dạy đã giúp chị gặt hái thành công khi còn là VĐV và hiện nay đang là HLV.
DANH TRUNG