Hơn 30 năm nay, người thương binh nặng 1/4 Đoàn Thanh Ngừng làm nghề bưu tá, đem lại niềm vui đến cho những người dân xã Tân Phong (Ninh Giang)
Tuần không tính ngày, năm không kể tháng. Cả khi trời giá lạnh, nắng mưa…, nếu trong chiếc túi “càn khôn” ấy còn tài liệu, công văn, thư từ, thì chiếc xe đạp cùng người chủ của nó còn lăn bánh trên đường…
Như chiếc đồng hồ sống, hằng ngày ăn cơm trưa xong, ngủ một giấc, khoảng 2 giờ chiều là bác Ngừng sửa soạn lên đường. Một chiếc xắc cốt bạc sờn nhưng còn chắc chắn, một chiếc mũ cối gợi nhớ kỷ niệm thời chiến tranh và một chiếc xe đạp đã cũ... Bác ra Uỷ ban xã, nhận các loại báo chí, tài liệu công văn, thư từ..., sắp xếp, phân chia ra từng gói, nhẩm tính để sao cho đi một vòng, qua đủ 4 thôn trong xã, với những địa chỉ quen thuộc.
Thời ấy như trăm nghìn các làng quê Việt Nam, những ai muốn nói chuyện điện thoại với người thân ở xa nhà đều phải tới chầu chực ở bưu điện huyện. Ngày ấy, thư từ, điện báo là phương tiện chủ yếu để thông tin liên lạc trong đời sống người dân quê... Những phong thư, điện thư, bưu phẩm... từ xa xôi gửi về làng, đều do bác mang tới tận nhà, giao tận tay người nhận. Nhìn bác dắt xe vào cổng nhà ai đó, người hàng xóm cũng hồi hộp chờ mong…
Khác với những người tiền nhiệm, bác Ngừng đưa thư khi đất nước hòa bình đã được 5 năm. Thời chiến tranh, thấy người bưu tá dắt xe vào ngõ, chủ nhà mừng ít lo nhiều. Họ nín thở đọc lá thư từ chiến trường gửi về, sau nhiều tháng trôi nổi qua mưa nắng khói bom… Đến bác Ngừng đã khác hẳn. Mỗi lần bác dắt xe vào ngõ, là ở đấy thêm những niềm vui mới: Khi thì một giấy gọi đi làm, khi thì giấy báo trúng tuyển trường cao đẳng, đại học, hoặc thư mời người vợ đến bưu điện nhận tiền của chồng đang làm ăn xa gửi về để sửa mái nhà bị dột… Cũng có khi là tờ Thông tin nội bộ, tờ báo Hải Dương gửi anh bí thư chi bộ chân tre. Cô giáo làng ví von gọi đùa bác là “cánh chim báo tin vui”. Những lúc ấy dù có mệt, bác cảm thấy mát lòng…
Lặng lẽ, cẩn thận làm việc đưa thư ngần ấy năm, bác chẳng nhớ đôi lốp, săm xe đã bao lần vá sống, vá chín rồi thay mới suốt những năm bao cấp? Cũng không ít lần bác phải dùng dây cao su bó đoạn lốp bị phình để tiếp tục lên đường.
Hơn ba chục năm, hơn mười nghìn ngày, tính ra bác đã đưa hàng vạn phong thư, công văn, báo chí, hàng nghìn bưu phẩm các loại... đến tay người nhận, chưa một lần nhầm lẫn! Bác cũng chẳng ngờ rằng đoạn đường đi của mình dài tới sáu vạn rưỡi cây số, gấp rưỡi chu vi quả địa cầu!
Bác nhớ mãi câu chuyện cách đây 26 năm. Lần ấy vào năm 1985, UBND xã yêu cầu bác đi mời gấp các đội trưởng sản xuất dự phiên họp khẩn cấp ban đêm.
Đêm tối mịt mùng, bác băng qua mọi nẻo đường trong xã. Lúc đi, êm thấm yên ả, lúc về trời mưa xối xả, nước ruộng tràn ngập cuốn phăng đi những đoạn bờ bị xẻ ra dẫn nước, đắp quá sơ sài. Bóng bác lặn lội, xiêu vẹo trong ánh sáng chiếc đèn yếu pin, vàng vọt như con đom đóm giữa đêm tối mênh mông, đôi chân bấm sâu vào đất ruộng đến cùn cả móng!
Thì ra đó là cuộc họp chuẩn bị cho sáng ngày hôm sau đổi tiền.
Bác từng nói với lãnh đạo xã: "Nếu tôi vô trách nhiệm, làm thất lạc thư tín, công văn, làm mất mát bưu phẩm của dân, tôi xin tự từ chức”.
Lương chức vụ của bác được trả bằng... thóc, chứ không phải bằng tiền.
Những năm đầu ra làm việc, lương bác là 50 kg thóc một vụ. Sau tăng lên 70 kg. Đến năm 2003 bác được hưởng lương bằng tiền: 70 nghìn đồng mỗi tháng, rồi tăng lên 250 nghìn đồng và gần đây nhất là 360 nghìn đồng/tháng (năm 2010).
Nhưng bác Ngừng vẫn sống vui sống khoẻ. Phụ cấp thương binh loại 1/4 của bác, tiền trợ cấp của người vợ chăm sóc chồng và lương bưu tá mà bác đang làm, cũng chỉ đủ sinh hoạt tàm tạm giữa đời thường. Thế nên bác chẳng ngại giúp người vợ tảo tần chăn nuôi thêm bò, lợn, gà vịt và cấy thêm vài sào ruộng... để phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi dạy 4 người con ăn học nên người. 2 người con đã có bằng đại học, 1 người có bằng cao đẳng,
Bác Ngừng tự hào làm việc đưa thư với 5 đời chủ tịch xã, đều được cán bộ nhân dân yêu mến. “Một người lính được tôi luyện trong chiến đấu, thận trọng, chính xác, bí mật. Nay đức tính đó tiếp tục được phát huy. Bác Ngừng làm việc này, Đảng bộ và nhân dân xã tôi rất yên tâm và tin tưởng” - ông Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Ninh Giang) Phạm Xuân Sách - nói với chúng tôi như vậy.
Những lứa tuổi 8X, 9X chẳng ai ngờ rằng bác Ngừng lại là một thương binh nặng phải có người chăm sóc. Chỉ có người vợ của bác là biết rõ vết thương chiến tranh đã hành hạ bác như thế nào, mỗi khi thời tiết đổi thay…
Năm 1970, vừa sang tuổi 16, anh thanh niên Đoàn Thanh Ngừng nằng nặc đòi cha mẹ cho mình nhập ngũ vào Nam chiến đấu như bao bạn bè trang lứa. Ba năm xông pha trên các chiến trường, lăn lộn trong đạn bom khói lửa, nhiều lần giáp mặt với quân thù; rồi trong một trận chiến đấu ác liệt, anh bị thương tại mặt trận Quảng Ngãi năm 1973. Những mảnh đạn nhỏ đến bây giờ vẫn nằm yên trong sọ não.
Sau 4 năm điều trị ở các trạm điều dưỡng, các quân y viện, năm 1977 Đoàn Thanh Ngừng vác ba lô về quê, mang trên người thương tật loại 1/4, nghĩa là thương binh nặng, phải có người chăm sóc.
Nỗi buồn xa nhớ đồng đội, hụt hẫng trước cảnh quê nghèo rồi cũng qua đi. Gia đình sum họp, tình nghĩa quê hương ấm áp đã đem lại niềm vui sống, sức khỏe của anh dần dần hồi phục.
Năm 1980, anh tình nguyện nhận việc đưa công văn, báo chí, thư từ cho xã.
Và từ đó người dân quê thấy anh thấp thoáng đạp xe trên các ngõ xóm, vào trường học, trạm y tế, gò lưng phóng xe giữa cánh đồng lúa chín vàng, tới sân kho, dắt xe vào cửa hàng bách hóa, phát thư từ, giao bưu phẩm. Đôi chân từng dẻo dai vượt suối trèo non, ngang dọc chiến trường đến bây giờ vẫn bền bỉ trên những nẻo đường quê.
Những tên gọi thân mật: anh Ngừng, chú Ngừng, rồi bác Ngừng đưa thư cũng đổi theo năm tháng.
Sinh năm 1954, năm nay bác Ngừng đã gần vào tuổi 60, để lại phía sau những tháng năm oanh liệt trên các chiến trường miền Nam và ba mươi năm đưa thư cho xã . Nhiều người khi hoàn thành nghĩa vụ về làng, tham gia công tác, làm chủ tịch, bí thư, hay việc gì mát mặt. Còn bác chỉ có một công việc: đem thư từ, báo chí công văn đến tay người nhận. Nắng mưa, vất vả, thù lao ít ỏi, nhưng bác chẳng lời tị nạnh, kêu ca, chỉ nghĩ giản đơn làm cho tròn phận sự.
Thì ra giữa thời đại thông tin bùng nổ, với bao nhiêu phương tiện hiện đại tối tân: in-tơ-nét, fax, điện thoại di động, hộp thư điện tử, chát..., thế giới nghìn trùng xích gần lại trong tấc gang. Thế nhưng ở làng quê ấy vẫn không thể thiếu một người đưa thư như bác Ngừng.
Hơn 30 năm làm một công việc thầm lặng, chưa hề có một danh hiệu xứng đáng nào dành cho bác, vậy mà bác vẫn vui. Bác bảo: “Tôi đi làm, được giao tiếp với bà con xóm làng, với xã hội cộng đồng. Tôi khỏe đến ngày hôm nay một phần cũng chính là vì công việc ấy, công việc cuốn hút khiến tôi quên đi những vết thương khi trái gió trở trời...”.
Khi tôi viết dòng chữ này, được biết bác Ngừng đã ngừng công việc đưa thư được mấy tháng. Tôi tưởng tượng ra: từ đây những con ngõ thân quen, những đoạn đường bê-tông mới rải, những bờ ao mát rượi bóng cây sẽ vắng bóng chiếc xe đạp và người thương binh nặng thấp thoáng đi qua... Nhưng trong lòng người dân Tân Phong vẫn in đậm hình ảnh và tấm lòng tận tụy với những cánh thư của bác
KHÚC HÀ LINH