Hơn 2 tháng Cổng dịch vụ công quốc gia đưa vào hoạt động: Còn xa lạ với người dân

11/03/2020 07:05

Sau hơn 2 tháng chính thức hoạt động, nhiều người còn chưa biết đến Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và các dịch vụ công trực tuyến nói chung.


Công dân giao dịch các dịch vụ công trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Ít người quan tâm

Tại bộ phận "một cửa" UBND huyện Bình Giang những ngày đầu tháng 3 có nhiều người đến nộp hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).

Ông Nguyễn Văn Phông ở xã Tân Hồng đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi được hỏi có biết về hoạt động của Cổng DVCQG và các hình thức giải quyết TTHC trực tuyến không, ông Phông cho biết do đã có tuổi nên không để ý.

Ông cho rằng, dù có dịch vụ trực tuyến nhưng những thủ tục liên quan đến đất đai, nhà cửa vẫn cứ phải đến bộ phận "một cửa" để giải quyết mới yên tâm. 

Tại bộ phận "một cửa" TP Hải Dương sáng 5.3, sau khi chúng tôi hỏi ngẫu nhiên 5 công dân đến giao dịch, chỉ có 1 người cho biết có nghe nói về hoạt động của Cổng DVCQG. Anh Trần Văn Tuấn ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) đến bộ phận để làm thủ tục chấm dứt đăng ký kinh doanh cho biết có nghe nói đến cổng và hình thức giải quyết TTHC trực tuyến.

Anh đã thử tìm hiểu nhưng nhận thấy để giải quyết TTHC qua cổng cần đăng nhập, đăng ký tài khoản bằng thuê bao di động hoặc mã số bảo hiểm xã hội (dành cho công dân), sim ký số, USB ký số nên khá phức tạp. Anh cũng không thường xuyên sử dụng internet vào công việc nên ngại tìm hiểu. 

Nhiều người từ trước đến nay mỗi khi cần giải quyết TTHC đều tìm đến các bộ phận "một cửa". Theo anh Hoàng Đức Nghĩa, chuyên viên bộ phận "một cửa" huyện Bình Giang, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC chưa phổ biến do đa số người dân còn hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Không phải người dân nào cũng có thể sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính kết nối internet.

Một bộ phận người dân chưa biết sử dụng công nghệ thông tin, nếu có cũng chỉ biết sơ qua nên ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hơn nữa, địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố không rộng, giao thông thuận lợi nên người dân chưa quan tâm đến các dịch vụ công trực tuyến. Cổng DVCQG đi vào vận hành với 4 nhóm dịch vụ công thực hiện ở cấp bộ và cung cấp các dịch vụ công tại 63 tỉnh, thành phố, nhưng theo anh Nghĩa, do mới đi vào hoạt động và người dân chưa nghiên cứu nhiều về ứng dụng công nghệ thông tin nên chắc chắn còn xa lạ...

   Người dân vẫn giữ thói quen giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận "một cửa"  

Thúc đẩy giao dịch trực tuyến 

Bước đầu hoạt động, Cổng DVCQG đang tích hợp với cổng dịch vụ công và hệ thống "một cửa" điện tử các bộ, ngành, địa phương để thí điểm cung cấp 8 dịch vụ công. Trong đó, người dân có thể thực hiện 5 dịch vụ: Đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, cấp điện mới từ lưới điện trung áp, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất.

Doanh nghiệp có thể thực hiện 6 dịch vụ: Thông báo hoạt động khuyến mại, đăng ký hoạt động khuyến mại, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, cấp điện mới từ lưới điện trung áp, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất, nhóm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Hải Dương đã kết nối, tích hợp 3 dịch vụ công trên Cổng DVCQG, gồm thông báo hoạt động khuyến mại, đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp và cho phép họp báo trong nước. Kết quả xử lý hồ sơ trực tuyến đổi giấy phép lái xe và thông báo hoạt động khuyến mại từ ngày 9.12 đến 12 giờ ngày 18.12.2019, Hải Dương chỉ có 11hồ sơ gửi đến để giải quyết.

Sau khi chính thức hoạt động, đến nay có rất ít thủ tục trong 3 dịch vụ trên giải quyết qua Cổng DVCQG. Theo thống kê tổng hợp tình hình đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng DVCQG, đến ngày 3.3 tỉnh Hải Dương đang ở trạng thái màu đỏ.

Có nghĩa là tỉnh đang ở trong số các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ sai mã TTHC lớn hơn 30% hoặc có dưới 1.000 hồ sơ đồng bộ lên Cổng DVCQG. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã đồng bộ tổng số hơn 12.400 hồ sơ, nhưng trong đó có tới 779 hồ sơ chưa gắn cơ quan giải quyết và có tới 4.628 hồ sơ sai mã TTHC.

Từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã toàn tỉnh đã tiếp nhận 85.123 hồ sơ giải quyết TTHC, trong đó 1.629 hồ sơ giải quyết theo mức độ 3, chỉ có 162 hồ sơ mức độ 4. Con số này cho thấy chủ yếu công dân, doanh nghiệp vẫn giao dịch các dịch vụ công trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận "một cửa" các cấp. 

Các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen, quan tâm, tìm hiểu, ứng dụng rộng rãi để sớm đưa Cổng DVCQG và các dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả nhằm minh bạch hóa nền hành chính.

THU NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 2 tháng Cổng dịch vụ công quốc gia đưa vào hoạt động: Còn xa lạ với người dân