8 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Hà Văn Chí đã tham gia 8 chiến dịch lớn, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất với ông vẫn là Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Hà Văn Chí và những tấm giấy khen vì thành tích khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nâng niu từng mẩu ký ứcNgồi trước mặt tôi, trong ngôi nhà nhỏ nằm lặng lẽ trên phố Chu Văn An (TP Hải Dương) là một người đàn ông tầm thước và điềm đạm. Ở tuổi ngoài 80, ông Hà Văn Chí vẫn giữ được dáng đi còn nhanh nhẹn, giọng nói trầm hùng và sôi nổi mỗi khi nhắc đến quãng thời gian chiến đấu hơn 60 năm trước. Trong ký ức của ông, quãng thời gian 8 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu tiên cho tới khi kết thúc, vẫn còn sống động như mới hôm qua.
Bàn tay gầy guộc lần giở, chỉ cho tôi xem từng tờ giấy khen ông nhận được vì những thành tích trong chiến dịch lịch sử “chấn động địa cầu”. Những tờ giấy khen ố vàng được ông trân trọng, nâng niu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Khi Bảo tàng tỉnh đề nghị, ông đã tặng cho bộ sưu tập của Bảo tàng và nhận lại một bản sao in màu. Trong 3 tấm giấy khen ông nhận được, phần ghi lý do được nhận giấy khen đều rất rõ ràng và cụ thể. Như trong tấm giấy khen ký ngày 26-2-1954, do Trung đoàn 367 khen thưởng ghi lý do khen đồng chí Hà Văn Chí, Tiểu đội phó, Đại đội 834: “Vì đã nêu cao tinh thần giác ngộ giai cấp, thương yêu đồng đội, gương mẫu công tác, gặp khó khăn đã khắc phục hoàn thành nhiệm vụ. Được anh em mến phục”. Giấy khen của Trung đoàn 367 ký ngày 22-12-1954 ghi lý do khen thưởng đồng chí Hà Văn Chí: “Vì đã có công đề cao tinh thần khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến phục vụ đơn vị. Ngoài ra còn tranh thủ tham gia công tác lao động với anh em đơn vị. Là chiến sĩ thi đua xuất sắc của trung đoàn năm 1954 trong phong trào xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh”.
Sợ tuổi già, trí nhớ ngày một kém đi, mấy năm trước ông còn mua một quyển lịch vạn niên, đánh dấu, ghi chú cẩn thận từng sự kiện xảy ra trong Chiến dịch Điện Biên Phủ sau khi đã tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn. Ông còn tìm đọc những cuốn sách viết về Điện Biên bởi những người đồng đội, chỉ huy cũ của mình. Trong những trang sách đã sờn do đọc đi đọc lại nhiều lần thường có những dòng chữ ông chú thích bên lề những chi tiết mình còn nhớ để làm rõ hơn điều tác giả nói. Ký ức không phai mờ nhiều theo năm tháng mà dường như ngày một khắc sâu hơn trong tâm khảm người đàn ông đã bước vào tuổi “cổ lai hy” ấy.
Sống mãi những tháng năm hào hùng“Quê tôi ở thôn Hà Tiên, xã Thái Dương, Bình Giang, nhưng tôi được lên Hải Dương học từ khi còn nhỏ. Ngày đầu tiên của năm 1950, khi tôi vừa bước sang tuổi 18 chưa đầy nửa tháng, đang học đệ tứ, thì tòng quân, tham gia kháng chiến. Từ đó tới khi xuất ngũ năm 1958, tôi đã tham gia 8 chiến dịch: Trung du (1951), Hoàng Hoa Thám (1951), Hòa Bình (cuối năm 1951, đầu năm 1952, Hà Nam Ninh (hay còn gọi là chiến dịch phòng tuyến sông Đáy, 1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và Điện Biên Phủ (1954). Nhưng dấu ấn sâu sắc nhất vẫn là về Chiến dịch Điện Biên”, ông chậm rãi kể, đôi mắt ánh lên thứ ánh sáng tự hào, đầy nhiệt huyết, thứ ánh sáng chỉ có thể có được từ một người đã được chứng kiến, tham gia vào quá khứ hào hùng của dân tộc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chiến đấu ở Trung đoàn pháo cao xạ 367, đóng cạnh sân bay Mường Thanh. Đơn vị của ông có nhiệm vụ ngăn cản máy bay cất cánh, hạ cánh, thả viện trợ. Đại đội pháo phải đứng cao hơn mặt đất nên rất nguy hiểm. Ông vẫn nhớ hình ảnh bầu trời Điện Biên có những lúc có tới hàng trăm chiếc máy bay quần đảo, thả bom, bắn xuống, chẳng khác nào đàn chuồn chuồn bay trước lúc trời mưa. Nhưng chuồn chuồn bay thì trẻ em thích thú chứ máy bay địch thả bom chẳng khác gì thần chết hiện hình. Là y tá của đại đội, mỗi khi có đồng đội bị thương, ngay trong mưa bom bão đạn, ông vẫn xông pha lên phía trước, cấp cứu cho anh em. Mỗi chiến sĩ đều được trang bị một túi thuốc cá nhân gồm bông băng, thuốc đỏ để tự cấp cứu lấy khi bị thương và cấp cứu cho nhau. Sau đó, y tá như ông sẽ giải quyết thêm rồi đưa anh em về tuyến sau. Thời ấy cả đất nước còn khó khăn, đói khổ, dân tộc đi vào cuộc kháng chiến với lòng yêu nước nhiệt thành và ý chí chiến đấu cao độ nhưng trang bị thì thiếu thốn đủ bề. Y tá ở chiến trường cũng chỉ có thuốc sốt rét thuốc ho, giảm đau, bông băng chứ không có kháng sinh, nên các chiến sĩ phải chống chọi với vết thương, với nguy cơ nhiễm trùng rất mệt nhọc. Khi ấy, ông chỉ ước giá như có nhiều thuốc men hơn để cứu chữa, giúp đồng đội mình bớt đau đớn, bớt đi nhiều tổn thất.
Không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng ông có mặt ở khắp nơi trên trận địa và cả ở tuyến sau để chăm lo sức khỏe cho anh em, tham gia làm công tác hậu cần cùng các đồng chí khác. Vì thế ông vẫn nhớ, khẩu phần ăn cho mỗi ngày của các chiến sĩ là 8 lạng gạo, 13 gam muối. Còn thực phẩm thì không cố định, thường là rau rừng và mắm kem (là loại mắm được cô đặc lại), thỉnh thoảng có thịt mua của người dân địa phương. Món rau ông nhớ nhất là rau cải mèo đặc trưng của vùng rừng núi Tây Bắc, loại rau được bà con dân tộc Mông trồng xen lẫn giữa ruộng thuốc phiện. Cây cải mèo cao tới thắt lưng người lớn và có đặc điểm rất đặc biệt là trời càng lạnh thì cải lại càng tốt, càng lên cao. Ông cũng nhớ những chiến sĩ cấp dưỡng thường là những người đã đứng tuổi, chu đáo và cẩn thận. Ông thường phụ giúp họ nấu cơm, gánh cơm canh ra chiến sự cho anh em. Canh được cho vào hòm đạn bằng kẽm, cơm thì cho vào sọt có lót ni-lông, cứ vừa gánh vừa chạy để anh em có cơm canh nóng ăn. Để vận chuyển được cơm canh ra đến nơi mà không ngã, không đổ cũng là việc khó khăn, nếu không quen thì không thể nào làm được.
Đầu tháng 5-1954, ông bị thương do sức ép của bom, lẽ ra được đưa về tuyến sau chữa trị nhưng ông tình nguyện ở lại với đơn vị, sát cánh cùng anh em. Ông kể rằng khi ấy các chiến sĩ cũng đã thấy ngày chiến thắng sắp cận kề nên tất cả đều muốn được đi tới tận cùng chiến dịch. Trước ngày 7-5 vài ngày, tiếng súng địch đã thưa thớt dần. Đơn vị ông ở xa trung tâm chỉ huy của địch nên không được chứng kiến giây phút tướng giặc bị bắt, phải hàng nhưng trong tâm trí ông vẫn âm vang tiếng quân ta reo hò như làn sóng lan truyền khắp nơi, rồi tất cả đồng loạt từ chiến hào nhảy lên trên mặt đất, trong niềm vui mừng khôn xiết. Sau đó, các đơn vị rút ra khỏi trận địa, đồng đội gặp nhau, nụ cười sáng bừng những gương mặt sạm đen thuốc súng. Sau chiến dịch dài ngày, tóc tai ai cũng bờm xờm, quần áo rách và vá víu, nhưng những gương mặt mang niềm vui chiến thắng đẹp đẽ, rạng ngời hơn bao giờ hết.
Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hà Chí theo đơn vị về đóng ở Tuyên Quang, chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Mãi nửa thế kỷ sau, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ông mới có dịp về thăm lại chiến trường xưa. Tuy đã tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch song đó lần đầu tiên ông đi tất cả những trận địa khi xưa. Đó là chuyến trở về ký ức đầy xúc động, trên đường từ Hà Nội lên Điện Biên, ông cùng các đồng đội công binh đã đi lại những con đường ngày xưa họ cùng nhau xây dựng và bảo vệ.
Những ngày này ông lại đang háo hức chuẩn bị về Điện Biên lần nữa. Sức khỏe không cho phép ông đi đường bộ như 10 năm về trước, nhưng nhìn vào đôi mắt ông, nghe những lời ông kể, tôi thấy con đường ấy cũng như những ngày đêm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn sống trong tâm khảm ông, bởi đó là con đường của vất vả, gian lao nhưng cũng là con đường đưa niềm tin đến ngày chiến thắng.
VIỆT HÒA