Hồi phục nhà máy sản xuất nhôm

11/03/2016 06:22

Từng bị phạt nặng do xả thải bẩn ra môi trường, Nhà máy Nhôm định hình Tung Kuang đã đầu tư hệ thống xử lý hiện đại, từng bước phục hồi sản xuất bền vững...



Đóng gói sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 7 tháng chuyển nhượng từ Công ty CP Công nghiệp Tung Kuang sang Ricco Group (Tập đoàn Ricco của Việt Nam), Nhà máy Nhôm định hình Tung Kuang tại xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) đã bước đầu sản xuất ổn định và hiệu quả.

Suy sụp do vi phạm

Công ty CP Công nghiệp Tung Kuang là một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của Đài Loan. Từ năm 2004, doanh nghiệp này đã đưa Nhà máy Tung Kuang chuyên sản xuất khung nhôm định hình, tổng vốn đăng ký đầu tư 24 triệu USD vào hoạt động. Tuy nhiên, do gây ô nhiễm môi trường nên UBND tỉnh Hải Dương đã đình chỉ tạm thời hoạt động của nhà máy từ tháng 4 đến 10-2010.

Để khắc phục ô nhiễm, công ty đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây mới hệ thống xử lý nước thải bằng khí ozone, theo quy trình tuần hoàn tái sử dụng; lắp đặt hệ thống xử lý khí thải hiện đại trị giá trên 3 tỷ đồng; xử lý chất thải rắn, bùn thải (bao gồm cả chất thải nguy hại) và chất thải sinh hoạt. Đơn vị đã lập và trình duyệt báo cáo tác động môi trường bổ sung, trồng thêm cây xanh. Ngoài ra, Tung Kuang còn hỗ trợ xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt đường ống nước sinh hoạt, nâng cấp một số trường học... Doanh nghiệp cũng cam kết bằng văn bản và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cấp, các ngành liên quan, công ty tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý ô nhiễm về tiếng ồn, bụi... Đại diện chính quyền huyện Cẩm Giàng, xã Cẩm Phúc đều ghi nhận sự cố gắng của Tung Kuang, nhất là trong bảo vệ môi trường như đã cam kết.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trở lại, các ngành của tỉnh, huyện và xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; niêm yết công khai báo cáo tác động môi trường bổ sung; giới thiệu quy trình xử lý nước thải, khí thải; thông báo tình hình kiểm tra chấp hành của doanh nghiệp... Mặc dù đã cố gắng làm tốt việc bảo vệ môi trường nhưng nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn. Mỗi tháng doanh nghiệp chỉ đạt sản lượng từ 600-700 tấn sản phẩm. Hơn 1/3 số lao động bỏ đi tìm việc khác (trước đó có trên 300 lao động).

Tập trung đầu tư sản xuất

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tung Yang cho biết: "Tôi bắt đầu tiếp nhận cơ sở vật chất và vận hành nhà máy từ tháng 7-2015. Để nhà máy hoạt động hiệu quả hơn, Ricco Group đã đầu tư thêm khoảng 100 tỷ đồng để tổ chức lại dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ... Hiện nay, sản lượng của nhà máy đã đạt 1.600 tấn nhôm thanh/tháng, tăng gần 2,5 lần so với trước khi chuyển nhượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư sản xuất các sản phẩm khác từ nhôm như thang cứu hỏa, xe lăn, nạng y tế, bàn ghế... Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 400.000 USD/tháng, tăng gấp đôi so với trước khi chuyển nhượng và chiếm 50% tổng sản lượng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ, Canada, Đài Loan... Hiện công ty có 470 lao động, tăng gấp đôi so với trước, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng.  

Bà Phạm Liễu Mai, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tung Yang cho biết, hầu hết người lao động đã làm ở Tung Kuang trước đây đều đã trở lại làm việc. Công đoàn công ty đã được kiện toàn lại, tập trung chăm lo đời sống người lao động. Nhà máy đã hoàn thành nhà ăn tập thể cho công nhân thay vì họ phải mua cơm hộp như trước. Một số công nhân ở xa đã mua đất làm nhà ở gần công ty do xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Công Hải, đại diện Ricco Group, tập đoàn đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án, gồm cả nhà máy sản xuất nhôm thanh. Dự kiến trong năm nay, Ricco Group sẽ đầu tư thêm 200 tỷ đồng nâng công suất nhà máy lên trên 2.500 tấn nhôm/tháng; tiếp tục mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu.      

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi phục nhà máy sản xuất nhôm