Tình trạng lạm thu trong trường học với sự "tiếp tay" của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc cho phụ huynh trong cả nước...
Những tuần đầu năm học 2017-2018 lại được "hâm nóng" bởi vấn đề nên hay không nên giữ Ban Ðại diện cha mẹ học sinh trong trường học sau khi có lá đơn của một phụ huynh gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị giải tán ban này.
Tình trạng lạm thu trong trường học với sự "tiếp tay" của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh (hay thường gọi là Hội phụ huynh) đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc cho phụ huynh trong cả nước, nhưng chưa bao giờ được ngành giáo dục xử lý một cách hiệu quả, có tình có lý. Ðã từ lâu, ban này lẽ ra phải là tổ chức chăm lo, hỗ trợ hoạt động giáo dục nhưng lại được gọi bằng những cái tên xấu xí như "cánh tay nối dài của hiệu trưởng", "BOT nhà trường"... Ðại diện cho cha mẹ học sinh trong một lớp, một trường nhưng lại bị chính phụ huynh phản ứng, đề nghị giải tán. Vì sao lại xảy ra nghịch lý này?
Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành Ðiều lệ chính thức về hoạt động của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh lần đầu tiên năm1992 (thay thế cho điều lệ tạm thời năm 1980). Từ đó tới nay, điều lệ này đã qua 2 lần điều chỉnh (bản mới nhất ban hành năm2011). Trái ngược với quy định về quyền lợi, nhiệm vụ của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh trong điều lệ ngày càng có ý nghĩa với hoạt động giáo dục là thực tế hình ảnh của ban này trong mắt phụ huynh ngày càng đi xuống. Ðiều lệ quy định rất rõ ràng những việc được và không được làm của ban nhưng thực tế thường diễn ra ngược lại.
Theo đó, nhiệm vụ chính của tổ chức đại diện cho cha mẹ học sinh là hỗ trợ giáo dục trường học bằng các hoạt động như: phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh; phối hợp tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật... Những hoạt động này ít Ban Ðại diện cha mẹ học sinh nào làm được mà lại thực hiện chủ yếu nội dung bị cấm là quyên góp của học sinh và gia đình học sinh các khoản tiền dùng vào các việc như bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình...
Với việc ban hành bản điều lệ chính thức từ năm 1992, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã công nhận và quy định các quyền, nghĩa vụ của hội phụ huynh nhưng lại chưa có cơ chế giám sát hiệu quả việc thực hiện điều lệ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự biến tướng của tổ chức này. Theo quy định, việc kiểm tra hoạt động của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh là trách nhiệm của Sở Giáo dục và Ðào tạo và UBND cấp huyện nhưng chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của nhà trường nếu để ban này thu các khoản tiền trái quy định. Bởi các khoản thu đó dùng đầu tư cho mua sắm thiết bị hay xây sửa trường lớp thì nhà trường đều phải biết. Nhà trường biết mà vẫn để Hội phụ huynh thực hiện thì cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Còn hiện nay, tình trạng chung là các nhà trường đổ hoàn toàn trách nhiệm về việc lạm thu cho Hội phụ huynh dù hai bên phải thống nhất với nhau thì mới thực hiện được.
Việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban Ðại diện cha mẹ học sinh hiện nay chưa được thực hiện thường xuyên ở các trường học. Các nhà trường, địa phương chưa phát huy hết hiệu quả của ban trong các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Ngành giáo dục và đào tạo cũng chưa tuyên truyền, phổ biến một cách hiệu quả những quy định trong điều lệ tới phụ huynh học sinh. Có thể nói, không nhiều cha mẹ học sinh biết Ban Ðại diện được và không được làm gì theo quy định. Bởi vậy, chính những người làm trong Ban Ðại diện cũng không hề biết việc họ vận động các phụ huynh khác đóng tiền để mua sắm máy móc hoặc sửa chữa, nâng cấp các công trình của nhà trường là sai.
Việc thành lập các Ban Ðại diện cha mẹ học sinh là cần thiết. Ðiều lệ quy định về trách nhiệm, quyền lợi và những việc không được làm của ban này rất hợp lý, tích cực. Tuy nhiên thực tế diễn ra nhiều năm qua cho thấy ngành giáo dục và đào tạo dường như mới chỉ làm được việc "đẻ" ra tổ chức và quy định mà chưa thực hiện tốt khâu "dưỡng", dẫn đến việc đông đảo cha mẹ học sinh bức xúc. Ngày 22.9 vừa qua, trả lời phỏng vấn trên báo chí, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết có thể bộ sẽ bỏ quy định về việc thu tiền hội phí của ban này để tránh tình trạng lạm thu. Như vậy đồng nghĩa với việc Hội phụ huynh sẽ không được thu bất kỳ khoản tiền nào nữa.
LAM ANH