70 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống báo chí nói riêng và xã hội nói chung.
Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá X ra mắt Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, tháng 8.2015. Ảnh tư liệu
Cách đây tròn 70 năm, ngày 21.4.1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. 70 năm qua, không chỉ là người thư ký trung thành trong mọi thời khắc lịch sử quan trọng, Hội Nhà báo và những người làm báo Việt Nam còn trực tiếp đóng góp máu xương, công sức và trí tuệ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Góp phần quan trọng vào sự nghiệp báo chí nước nhà
Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng ta đã xác định báo chí là một mặt trận, một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến các đồng chí như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp… Do đó, Hội Nhà báo Việt Nam là một trong những hội Chính trị-Xã hội-Nghề nghiệp ra đời sớm nhất.
Ngày 4.4.1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21.4.1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Từ đó, ngày 21.4.1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam. Đến tháng 9.1950, Hội Những người viết báo Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).
Nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà báo Việt Nam - cũng là một nhà ngoại giao, một lãnh đạo cao cấp của Đảng - chính là nhà báo Xuân Thủy. Ông đã đảm nhận trọng trách này suốt hai nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam hiện nay là nhà báo Thuận Hữu. Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tập hợp các nhà báo hoạt động trên khắp mọi miền đất nước, thông qua các sản phẩm báo chí đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và bảo vệ tổ quốc, đã có hàng nghìn nhà báo xung phong vào bộ đội, đi các chiến trường, có mặt trên tất cả các trận tuyến, chiến đấu bằng ngòi bút của mình và khi cần thì cả bằng vũ khí như những người lính thực thụ góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng (Thông tấn xã Giải phóng), tháng 3.1967, tại căn cứ Tây Ninh, đã bắn cháy hai xe bọc thép Mỹ và anh dũng hy sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”. Đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị giặc Mỹ bắt và cưa chân. Đồng chí Trương Thị Mai, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở Trung Nam Bộ bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hy sinh để bảo toàn căn cứ.
Đến khi đất nước hòa bình, các nhà báo lại tiếp tục lao động không ngừng để có những dòng tin tức, hình ảnh, thước phim thời sự hàng ngày, hàng giờ phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội. Bên cạnh việc phát hiện và ca ngợi những điển hình tiên tiến, các nhà báo cũng dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện trì trệ, tiêu cực; đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
Nhiều thành tựu nổi bật trong công tác hội
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, trong suốt những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội. Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh, tính đến hết tháng 2-2020, Hội Nhà báo Việt Nam có 25.038 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội gồm 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội, 212 chi hội trực thuộc Trung ương. Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã kết nạp trên 7.100 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp hơn 1.400 hội viên.
Nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là một trong những nhiệm vụ được Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt quan tâm, đặt lên hàng đầu. Trung ương Hội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các các cấp Hội tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức cho hội viên học tập và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động và tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn Hội, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng tập thể Hội trong sạch, vững mạnh gắn liền với việc triển khai thực hiện tốt Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, thực hiện chế độ sinh hoạt đối với hội viên là phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại địa phương được các cấp Hội bám sát và thực hiện đầy đủ.
Trong những năm qua, công tác nghiệp vụ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội. Hoạt động nghiệp vụ luôn được Thường vụ quan tâm, chỉ đạo, tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tốt. Trung ương Hội và các cấp Hội đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt nghiệp vụ phong phú, phối hợp tổ chức các giải báo chí cùng nhiều hoạt động nghiệp vụ với nội dung thiết thực, chất lượng cao được đội ngũ người làm báo tích cực hưởng ứng. Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức gần 40 các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc gia, quốc tế, tăng gần gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước; Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội đã tổ chức được 539 lớp học cho 15.394 học viên với nhiều loại hình đào tạo.
Hằng năm, việc tổ chức lễ trao Giải Báo chí quốc gia đều được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), có sức lan tỏa sâu rộng, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao. Hội cũng phối hợp và tham gia với các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức thành công nhiều giải báo chí chuyên ngành của Hội Nhà báo Việt Nam và các giải báo chí liên ngành khác... Hội cũng tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc trên nền tảng của Hội Báo xuân. Không chỉ là “món ăn tinh thần” quan trọng dịp Tết đến xuân về, Hội Báo toàn quốc còn là dịp để giới thiệu về sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của báo chí cách mạng nước nhà cả về mặt con người lẫn công nghệ làm báo.
Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 3 cơ quan truyền thông, đó là Báo Nhà báo & Công luận, Tạp chí Người làm báo và Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam.
Có thể thấy, trải qua 70 năm, các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách của mình, xây dựng tổ chức Hội nhà báo Việt Nam ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo TTXVN