Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở

13/01/2010 17:26

Thực hiện QCDC ở cơ sở đã thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, góp nâng cao chất lượng của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Sáng 13-1, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC).

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về “Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”. Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể chế hóa thành nghị quyết, pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành các nghị định về thực hiện Quy chế dân chủ ở một số loại hình cơ sở. Hội nghị có nhiệm vụ đánh giá một cách toàn diện kết quả kết quả thực hiện Chỉ thị 30- CT/TW của Bộ Chính trị, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; xác định rõ những vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay cần phải tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy quyền làn chủ của nhân dân...

Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhấn mạnh: Hơn 10 năm qua, các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện Chỉ thị nghiêm túc, tích cực và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hầu hết các xã, phường, thị trấn, các cơ quan nhà nước và nhiều công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy ước; nêu rõ nội dung và hình thức thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong các cấp ủy, các cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cấp được nâng lên rõ rệt. Dân chủ trực tiếp được phát huy, khơi dậy tinh thần làm chủ của nhân dân, được nhân dân đồng tình và tham gia thực hiện có hiệu quả. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thể hiện trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở. Cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được thể hiện toàn diện, cụ thể hơn và có hiệu quả. Vai trò của nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nhận thức sâu sắc hơn, giữ vững ổn định chính trị. Quyền tham gia ý kiến của nhân dân được tôn trọng. Các hình thức tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được mở rộng. Ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội được nâng cao. Trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị thể hiện rõ nét hơn. Cán bộ, công chức bàn bạc, hiến kế, đề xuất, tham gia vào việc hoạch định cơ chế, chính sách. Người lao động tham gia giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Nhân dân được trực tiếp bàn bạc, thống nhất, quyết tâm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, giúp nhau xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng... Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

(Theo TTXVN)

(0) Bình luận
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở