Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định rằng đất nước của họ là "trung tâm của hòa bình và ổn định toàn cầu...
Nhà Trắng hôm 28.6 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định rằng đất nước của họ là "trung tâm của hòa bình và ổn định toàn cầu", đồng thời cam kết "cung cấp sự lãnh đạo mạnh mẽ để giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng sự thịnh vượng cho người dân của họ trong những thập kỷ tới".
Tại cuộc gặp song phương Mỹ-Ấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), lãnh đạo hai nước đã trao đổi "quan điểm về sự tiến bộ trong quan hệ đối tác chiến lược và phát triển các ý tưởng mới để đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới".
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ, hai nhà lãnh đạo đã "thừa nhận mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn phát triển cả bề rộng và chiều sâu chưa từng có, bao gồm kinh tế, thương mại, năng lượng, an ninh-quốc phòng, chống khủng bố và không gian".
Trước cuộc gặp song phương, ông Trump và ông Modi đã tổ chức một cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Sau cuộc gặp ba bên, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có dòng tweet: "Cuộc gặp hôm nay của JAI (Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ) là một cuộc gặp hiệu quả. Chúng tôi đã thảo luận rộng rãi về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cải thiện kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng".
Tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc gặp ba bên cho biết các nhà lãnh đạo đã "tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác Mỹ-Ấn-Nhật để củng cố các giá trị dân chủ cốt lõi, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng toàn cầu". "Họ đồng ý gặp nhau hàng năm để đảm bảo hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, cơ sở hạ tầng chất lượng, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa".
Trước cuộc gặp với ông Modi, Tổng thống Trump phát biểu với các phóng viên rằng: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục trở nên thân thiết với Ấn Độ. Chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề thương mại. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ có một số điều rất lớn để công bố. Thỏa thuận thương mại rất lớn".
Cọ sát thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ
Thương mại là nguyên nhân gây xích mích lớn giữa Mỹ và Ấn Độ, với Trump là cảnh giác về thuế quan. Tháng trước, Mỹ đã rút các nhượng bộ thương mại theo Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP) cho Ấn Độ, cáo buộc nước này không cung cấp "quyền tiếp cận công bằng và hợp lý" vào thị trường Ấn Độ.
Ấn Độ ngày 16.6 vừa qua đã trả đũa bằng thuế quan đối với 28 sản phẩm của Mỹ.
"Tôi mong muốn được nói chuyện với Thủ tướng Modi về thực tế rằng Ấn Độ trong nhiều năm đã áp dụng mức thuế rất cao đối với Mỹ, gần đây nước này đã tăng mức thuế cao hơn nữa", ông Trump viết trên twitter trước khi lên đường tới Osaka.
Trước cuộc gặp với ông Trump, Thủ tướng Modi cho biết chủ đề chính mà họ sẽ thảo luận bao gồm Iran, mạng 5G, quan hệ song phương và quan hệ quốc phòng. Ông nói thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm gần đây tới New Delhi đã gửi một "lá thư rất ấm áp" từ Trump, trong đó chúc mừng ông tái cử.
Ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại dầu lửa đối với Iran, một nguồn năng lượng quan trọng với Ấn Độ.
Khi được hỏi về điều đó trước cuộc gặp với ông Modi, Tổng thống Trump nói: "Chúng tôi có rất nhiều thời gian - không có gì phải vội. Hoàn toàn không có áp lực thời gian. Hy vọng, cuối cùng mọi chuyện sẽ ổn..."
Thủ tướng Nhật Bản Abe đã phát biểu trước các phóng viên rằng ba quốc gia của họ là "nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trong khu vực", đồng thời cảm ơn Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Modi vì vai trò của họ.
Ông Pompeo, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và cố vấn Jared Kushner (con rể của Trump) đã có mặt khi bắt đầu cuộc gặp ba bên.
Cuộc gặp ba bên diễn ra sau khi ông Trump và ông Abe có cuộc gặp song phương. Một quan chức Nhà Trắng nói với các phóng viên trước cuộc gặp ba bên rằng đây là "cơ hội để thúc đẩy cơ sở hạ tầng an toàn, chất lượng và bền vững" và "cả ba nước đều mong muốn thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Theo vị quan chức này, các nhà lãnh đạo đã lên kế hoạch thảo luận về "hợp tác hải quân mạnh mẽ" sau khi họ tiến hành một cuộc tập trận chung gần đây ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).
Đây là cuộc gặp ba bên thứ hai của ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, họ đã gặp nhau hồi năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.
Theo TTXVN