Sáng nay 1.10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII xem xét báo cáo thảo luận tổ, tiến hành thảo luận tại hội trường và bế mạc. Báo điện tử Hải Dương tường thuật trực tuyến.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu điều hành thảo luận
9 giờ 55: Hội nghị giải lao đến 10 giờ 15
Xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến liên thông
9 giờ 37: Đồng chí Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định nếu ứng dụng phần mềm đấu giá trực tuyến liên thông thì “người dân có nhu cầu mở máy tính là có thể thực hiện được toàn bộ quy trình đấu giá quyền sử dụng đất. Cuối cùng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được bưu điện cấp đến tận nhà dân”.
Đồng chí đề xuất tỉnh đứng ra chỉ đạo, xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến liên thông chứ không để các tổ chức đấu giá làm. Căn cứ để mạnh dạn đề xuất là chi phí bỏ ra xây dựng phần mềm so với lợi ích thu được sẽ có giá trị rất lớn, đem lại nguồn thu đúng thực tế cho nguồn ngân sách.
Đồng chí Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư Pháp phản ánh trong việc đấu giá quyền sử dụng đất chưa tối đa hóa nguồn lực thu về cho nhà nước
Đồng chí Bùi Sỹ Hoàn cũng đề nghị dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh cần bổ sung đánh giá hiện trạng về việc đấu giá quyền sử dụng đất chưa tối đa hóa nguồn lực thu về cho nhà nước, chậm thu được tiền, giá cuối cùng mà người tiêu dùng mua được bao giờ cũng cao hơn rất nhiều giá các tổ chức đấu giá đã thành công…
Tính giá đất thương mại phải sát với giá thị trường
9 giờ 28: Đồng chí Nguyễn Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng để đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững thì cần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Hiện 100% khu công nghiệp trong tỉnh đã có nhà máy xử lý nước thải, tỉnh cần phát huy để bảo vệ môi trường khi thu hút đầu tư, thành lập các khu, cụm công nghiệp mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, nhà ở phục vụ cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp... "Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, nhà ở cho công nhân sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất và thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến Hải Dương làm việc", đồng chí Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng cần xây dựng và quản lý doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đề nghị cần quy hoạch, phát triển hài hòa các mục tiêu sử dụng đất công nghiệp, đô thị và nông nghiệp. Đối với những loại đất thương mại, việc tính giá đất phải sát với giá thị trường. Còn đối với những loại đất phục vụ phát triển công nghiệp cần tính toán giá phù hợp để thu hút đầu tư, gia tăng giá trị sử dụng đất đai. Các sở, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Minh Phương cũng đề nghị tỉnh cần thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; xây dựng và quản lý doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tỉnh cần cơ cấu lại lực lượng lao động, quan tâm công tác đào tạo nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm... "Việc cơ cấu lại, xây dựng lực lượng lao động trong tỉnh cần đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, hiện đại hóa trong giai đoạn tới", đồng chí Nguyễn Minh Phương kiến nghị.
Định kỳ kiểm tra việc đăng ký nêu gương
9 giờ 8: “Hiện có chi bộ có hàng trăm đảng viên nhưng chất lượng rất yếu”, đó là nhận xét của đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ. Do đó, góp ý vào Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí đề nghị cần phát huy cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, định kỳ kiểm tra việc đăng ký nêu gương gắn với chuyên môn, công việc hằng ngày, đột xuất kiểm tra đảng viên, kịp thời ngăn chặn suy thoái…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho biết một phần nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý đất đai là do trình độ, năng lực cán bộ
Nêu một phần nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý đất đai là do trình độ, năng lực cán bộ, đồng chí Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ đề nghị tỉnh cần chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch các vùng khoáng sản, tham khảo các thành phố, các nước tiên tiến đã phát triển trước. Nhận định việc xử lý vi phạm chưa đúng quy định, chưa bài bản, chưa đúng quy trình, cấp cơ sở còn đùn đẩy trách nhiệm…, đồng chí đề nghị phải củng cố tổ chức, dịch vụ công về quản lý, sử dụng đất đai; có quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch về khoáng sản; chấn chỉnh, thực hiện nghiêm công tác quản lý quỹ đất, xử lý tình trạng lũng đoạn về giá đất; bổ sung các biện pháp quản lý cán bộ, công chức, xử lý nghiêm người vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Cùng với ban hành cơ chế chính sách để thúc đẩy tăng trưởng xanh, khuyến khích, "trải thảm đỏ" cho doanh nghiệp cần gắn với yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, doanh nhân có trình độ, tầm nhìn. Đồng chí đề nghị tỉnh cần sâu sát, kịp thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ tháo gỡ khó khăn, gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp…
Ưu tiên đấu giá quyền sử dụng đất thay đấu thầu
8 giờ 56: Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng cần đánh giá thực trạng thực hiện chuyển đổi số; có các giải pháp căn cơ, ưu tiên tiến hành số hóa các dữ liệu, đầu tư hạ tầng số để tiếp tục chuyển đổi số. Tỉnh và các địa phương cũng cần đánh giá chất lượng, tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp huyện và cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện đề nghị cần khai thác quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, dần hạn chế phụ thuộc vào nguồn lực đất đai
Để đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tỉnh cần có cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong tương lai cần khai thác quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, dần hạn chế phụ thuộc vào nguồn lực từ đất đai; đồng thời có quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về từng lĩnh vực, vấn đề để các địa phương tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư... Việc quản lý đất đai cũng cần đi vào nề nếp, khai thác tối đa hiệu quả từ quỹ đất. Ưu tiên đấu giá quyền sử dụng đất thay vì đấu thầu để tăng nguồn thu từ đất, bảo đảm tính minh bạch. Thực hiện đấu giá qua mạng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cần làm rõ mô hình tăng trưởng của tỉnh
8 giờ 50: Đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Giang đồng tình với bố cục, nội dung và thống nhất ban hành Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề xuất đến cách tiếp cận của chương trình, đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ cho rằng cần bổ sung thêm một số khái niệm mới: kinh tế tuần hoàn, kinh tế bao trùm, nội dung nội hàm của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 về bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Giang đề nghị tỉnh cần hiện thực hóa ngay việc hình thành các vùng kinh tế động lực
Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội dung mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến xã hội, an sinh, cuộc sống… để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, đồng thời đề xuất bổ sung 3 nhóm giải pháp trong chương trình gồm: nhóm giải pháp về con người, nhóm giải pháp về phát triển văn hóa – xã hội và nhóm giải pháp về tiêu dùng.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Bình Giang cũng đề nghị cần tinh chỉnh, nghiên cứu, bổ sung vào một số giải pháp chương trình đã đề ra. Theo đó, cần làm rõ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh trong các năm tiếp theo; đẩy mạnh lại cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế số, tham gia sâu hơn đến chuỗi phát triển của toàn cầu, thúc đẩy các vùng chiến lược, động lực phát triển… Tỉnh cần hiện thực hóa ngay việc thu hút các nhà đầu tư lớn, quan tâm giải phóng mặt bằng, hình thành các vùng kinh tế động lực...
Nhiều đề án, chương trình rất khó thực hiện tại cơ sở
8 giờ 18: Phát biểu ý kiến thảo luận đầu tiên, đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà đề nghị đánh giá đồng bộ các nguồn lực của địa phương từ tỉnh đến cơ sở để ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực thực sự cần thiết nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ. Nguồn lực ở cấp xã hiện nay chủ yếu từ tiền thu sử dụng đất nhưng chỉ được hỗ trợ 10%. Vì vậy nhiều đề án, chương trình rất khó thực hiện tại cơ sở như đề án xóa phòng học tạm, kiên cố hóa trường học.
Đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà đề nghị đánh giá đồng bộ các nguồn lực của địa phương từ tỉnh đến cơ sở để ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực thực sự cần thiết
Đồng chí Trịnh Văn Thiện cho rằng phải có sự đột phá trong một số lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, chế biến. Cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng các nguồn lực đầu tư về hạ tầng cơ sở để áp dụng được ngay những thành quả mà cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số mang lại.
Bên cạnh đó, cần đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ công chức, nguồn nhân lực đã qua đào tạo để bố trí, sử dụng phù hợp; có chính sách cụ thể gắn với việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ để tạo sự phát triển, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Mời các nhà khoa học, quản lý có kinh nghiệm để tư vấn trong việc triển khai các nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, khoáng sản cần phải có sự cân đối và sử dụng nguồn lực tiết kiệm hơn.
Đối với công tác quản lý đất đai, khoáng sản, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Hà đề nghị cần xác định những nguyên nhân chủ quan của những hạn chế để có giải pháp khắc phục như công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản các cấp, ngành chưa được quan tâm đúng mức; trình độ một số cán bộ chuyên môn ở cấp xã, cấp huyện chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gợi ý thảo luận
8 giờ 5: Điều hành thảo luận tại hội trường, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ hơn các giải pháp khắc phục hạn chế được nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội cấp huyện và tương đương, nhiệm kỳ 2020-2025; việc lãnh đạo xây dựng và ban hành quy chế làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên; việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, nhiệm kỳ 2020-2025. Đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19; nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Tiếp tục đánh giá, làm rõ những hạn chế trong hỗ trợ, phát triển doanh nhân, doanh nghiệp; phân tích, đề xuất các giải pháp căn cơ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu cần thảo luận, đề xuất những giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Nhà nước...
Đồng chí Nguyễn Viết Hải, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ
7 giờ 30: Đồng chí Nguyễn Viết Hải, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đọc báo cáo thảo luận tổ.
PV