Con sinh ra sau khi ly hôn có được coi là con chung không?

16/12/2017 04:36

Hỏi: Tháng 1.2017, vợ chồng tôi đã có quyết định ly hôn của tòa án nhưng ngay sau đó tôi phát hiện ra mình đã có thai được gần 3 tháng. Đến tháng 7.2017, tôi đã sinh con.

Xin hỏi theo pháp luật, con tôi có được coi là con chung của tôi và chồng cũ hay không? Chồng cũ tôi có phải có trách nhiệm với đứa con này không?


TRẦN THỊ HUYỀN (TP Hải Dương)


Trả lời: Theo điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định "Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng", "Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân".

Trong trường hợp bố hoặc mẹ không nhận đứa trẻ là con chung của hai người thì phải có chứng cứ và được tòa án xác định. Bố hoặc mẹ của đứa trẻ có thể tự mình (hoặc đề nghị tòa án) tiến hành giám định gen của đứa trẻ hoặc đưa ra các chứng cứ khác để chứng minh đứa trẻ không phải là con mình. Kết quả giám định gen và các chứng cứ khác cùng với yêu cầu của bố hoặc mẹ sẽ được tòa án xem xét và quyết định.

Bạn lưu ý là chỉ có quyết định của toà án là có hiệu lực cao nhất trong việc xác định con chung hay con riêng trong giai đoạn này. Cho dù người vợ có thể lập giấy khai sinh cho con tại cơ quan có thẩm quyền và không xác nhận đó là con chung thì người chồng vẫn có quyền yêu cầu toà án xem xét xác định là con chung, và ngược lại.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, được sinh ra sau khi quyết định ly hôn có hiệu lực dưới 300 ngày nên con bạn được coi là con chung của bạn và chồng cũ.

Nếu đứa con đó đúng là con của chồng bạn thì chồng bạn sẽ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với đứa con đó với tư cách là cha của đứa bé sau khi ly hôn và phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bạn và chồng bạn cần thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi bảo đảm tốt nhất cho con dựa trên những điều kiện về vật chất như ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… Các yếu tố về tinh thần như thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con sinh ra sau khi ly hôn có được coi là con chung không?