Có quyền từ chối chia thừa kế cho con?

06/07/2020 11:43

Hỏi: Tôi 80 tuổi, còn minh mẫn, đi lại được nên muốn chia đất, tiền cho các con song "từng phần" sẽ khác nhau.

Tôi 5 con và không muốn sau này mình mất đi, chúng tranh giành tài sản rồi không chăm sóc mẹ. Tôi muốn chia cho người con khó khăn phần tài sản lớn hơn, còn con trai út hay hỗn hào, không quan tâm bố mẹ thì không cho.

Tôi phải làm sao được như ý muốn?

TRẦN MINH (TP Chí Linh)

Trả lời: Theo điều 624, 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc và quyền của người lập di chúc: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Người lập di chúc có các quyền: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định di sản cho từng người thửa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Ông muốn tự định đoạt phần tài sản của mình có thể làm di chúc để phân chia di sản. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế và phân định di sản cho người thừa kế.

Tuy nhiên, theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Đó là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động.

Nếu gia đình ông không có các đối tượng kể trên thì ông hoàn toàn có quyền phân chia di sản của mình theo ý muốn (cho những ai, không cho những ai, mỗi người được chia bao nhiêu tiền, bao nhiêu m2 đất...).

Cũng theo các quy định về thừa kế theo di chúc, di chúc phải được lập thành văn bản; nêu trường hợp tính mạng bị đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Di chúc được coi là hợp hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thi di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng

Nội dung của di chúc phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản; và các nội dung khác.

Ngoài ra di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Nếu ông muốn tự phân định tài sản của mình cho con cháu thì cần lập di chúc để lại tài sản. Tuy nhiên, ông cần phải lưu ý các vấn đề về nội dung, điều kiện để di chúc hợp pháp nhằm tránh trường hợp di chúc được lập mà không được công nhận dẫn tới những tranh chấp không đáng có về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có quyền từ chối chia thừa kế cho con?