Hỏi: Bộ GDĐT có tính đến quyền lợi của thí sinh, đối tượng bị tác động nhiều nhất trong đổi mới thi cử?
Trả lời: Bộ GDĐT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của xã hội, trong đó có ý kiến của học sinh, đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử. Phương án thi được chọn có mục tiêu quan trọng là hướng đến bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Trong những năm trước mắt, các em vẫn tiếp tục học, thi, kiểm tra, đánh giá theo chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay nên không phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều. Các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng.
Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Tất nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng ít nhiều gây lo lắng cho thí sinh, nhất là khi cách thi cũ đã tồn tại rất nhiều năm và trở nên quen thuộc, dù đã bộc lộ rõ một số hạn chế và tốn kém.
Hỏi: Vai trò của UBND các tỉnh/thành phố, các cơ sở giáo dục đại học, các Sở GDĐT trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?
Trả lời: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 tiếp tục kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua. Việc tổ chức cụm thi tại Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh từ năm 2003 và Hải Phòng từ năm 2012 đã khẳng định những ưu điểm của tổ chức thi theo cụm, được xã hội đồng tình và đánh giá cao. Năm 2015 sẽ mở rộng tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm, huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT tham gia.
Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh nhằm thống nhất chỉ đạo kỳ thi trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban; lãnh đạo trường ĐH, CĐ, lãnh đạo Sở GDĐT làm Phó Trưởng ban; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và tổ chức đoàn thể có liên quan làm ủy viên.
Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức kỳ thi theo quy chế thi và văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, quy chế thi của các Hội đồng thi, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ GDĐT về hoạt động của Ban Chỉ đạo thi, tình hình tổ chức kỳ thi và việc thực hiện quy chế thi tại địa phương.
Tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm. Mỗi cụm thi là một Hội đồng coi thi, chấm thi, có thể gồm nhiều điểm thi. Bộ GDĐT thành lập các cụm thi liên tỉnh, giao cho các trường đại học có uy tín và năng lực chủ trì. Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng thi, lãnh đạo các Sở GDĐT làm Phó Chủ tịch Hội đồng thi. Trong Hội đồng thi có Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi, Ban Chấm kiểm tra, Ban Sao in đề thi và Ban Phúc khảo.
- Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh. Lãnh đạo Hội đồng coi thi, chấm thi đều có thành phần của trường ĐH và của Sở GDĐT. Tham gia coi thi, chấm thi tại mỗi cụm là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.
Các Sở GDĐT chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh của các trường phổ thông; tổ chức việc chuẩn bị hồ sơ và điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; lựa chọn, giới thiệu cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi; tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi, chuyển dữ liệu đăng ký dự thi về Bộ GDĐT; xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh của địa phương và phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong việc coi thi, chấm thi.
Nguồn: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục