Hỏi: Trường hợp nào thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp và phải tố cáo với cơ quan, tổ chức nào?
Trả lời: Trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo, có những vụ việc chưa được xem xét, giải quyết đúng đắn, kết luận chưa chính xác, xử lý không đúng người, đúng mức độ vi phạm, thậm chí có vụ việc còn không được xem xét, giải quyết. Để bảo đảm các hành vi vi phạm pháp luật phải được xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, điều 27 Luật Tố cáo quy định việc tố cáo tiếp, các điều kiện để tố cáo tiếp và việc xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức cấp trên.
Theo đó, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp khi quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật. Như vậy, khi không đồng ý với việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, thì người tố cáo được quyền tố cáo tiếp trong 2 trường hợp sau đây: Quá thời hạn quy định mà tố cáo đó không được giải quyết; tố cáo đã được giải quyết nhưng người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật.
Quy định này nhằm để người tố cáo cân nhắc khi tiếp tục tố cáo, tránh tình trạng do thiếu hiểu biết hoặc nắm thông tin về vụ việc không đầy đủ mà tố cáo tràn lan, vượt cấp gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo. Khi tố cáo tiếp, người tố cáo phải tố cáo với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
Để thực hiện quyền của người tố cáo, tránh tình trạng không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ dẫn đến người tố cáo do không hiểu biết, không có thông tin mà tiếp tục tố cáo, nên điều 26 Luật Tố cáo đã quy định về gửi kết luận nội dung tố cáo, theo đó, người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận nội dung tố cáo cho người tố cáo (nếu có yêu cầu), cho cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan cấp trên trực tiếp (là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiếp nếu người tố cáo tố cáo tiếp).
Hỏi: Nội dung bảo vệ người tố cáo được quy định như thế nào?
Trả lời: Điều 34 Luật tố cáo quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định. Đối tượng bảo vệ gồm người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Như vậy ngoài người tố cáo cần phải bảo vệ thì người thân thích của người tố cáo như: cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột, con... cũng phải được bảo vệ. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.
- Người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình.
- Người tố cáo được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức, không được trả thù, trù dập, đe doạ, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
- Người tố cáo không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú.
- Người tố cáo được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
(Nguồn: Ban Chỉ đạo Đề án 1-1133 tỉnh)