Những đối tượng nào phải tham gia BHYT?
Trả lời: Luật BHYT sửa đổi năm 2014 khẳng định rõ quan điểm của Nhà nước “BHYT là hình thức bắt buộc” mọi người dân đều phải có trách nhiệm tham gia, nhằm thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách tốt nhất.
Hỏi: Các đối tượng nào do người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT?
Trả lời: Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định gồm các đối tượng sau:
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành HTX có hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là người lao động) làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau đây:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;
- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập;
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư;
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
- HTX, liên hiệp HTX thành lập, hoạt động theo Luật HTX;
- Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Các đối tượng nào do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng BHYT?
Trả lời: Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định gồm các đối tượng sau:
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30-5-1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc.
Hỏi: Các đối tượng nào được ngân sách nhà nước đóng BHYT?
Trả lời: Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định gồm các đối tượng sau:
- Lực lượng vũ trang và thân nhân lực lượng vũ trang;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
- Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
- Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đương nhiệm;
- Trẻ em dưới 6 tuổi;
- Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
- Người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
- Thân nhân của người có công với cách mạng;
- Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
Hỏi: Các đối tượng nào được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT?
Trả lời: Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định gồm các đối tượng sau:
- Người thuộc hộ cận nghèo;
- Học sinh, sinh viên là những người đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
- Người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Theo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Hải Dương