Hội chứng giảm đẻ trên gà ảnh hưởng đến hiệu suất đẻ trứng, giảm hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Hội chứng giảm đẻ ở gà do một loài virus gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người dân đã chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm, trong đó có gà đẻ trứng. Trong nuôi gia cầm, ngoài các bệnh truyền nhiễm thông thường thì cần lưu ý hội chứng giảm đẻ ở gà, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp. Để hiểu rõ về tác hại của bệnh và biện pháp phòng ngừa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lưu ý bà con một số điểm sau:
Nguyên nhân
Hội chứng giảm đẻ ở gà do một loài virus gây ra, thường xảy ra ở gà đẻ thương phẩm và gà giống giai đoạn từ 26 - 35 tuần tuổi. Bệnh có thể lây truyền từ đàn bố mẹ sang đàn con thông qua trứng bị nhiễm bệnh. Hoặc có thể lây từ gà bệnh sang gà khỏe thông qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển đã bị nhiễm khuẩn…
Triệu chứng
Khi đàn gà đẻ bị nhiễm bệnh, mầm bệnh phát triển trong đường hô hấp và trong mô lympho ống dẫn trứng, dẫn đến việc gia cầm giảm đẻ, giảm chất lượng trứng.
Trong thực tế khi mắc bệnh này thì tỷ lệ đẻ trứng giảm nhanh từ 20 - 40%, có khi lên tới 50%. Chất lượng trứng kém, quả nhỏ, nhạt màu, vỏ mỏng và nhăn nheo, hình dạng méo mó hoặc có khi không có vỏ. Lòng trắng loãng, tỷ lệ ấp nở giảm. Gà bệnh vẫn ăn uống bình thường, mào gà chuyển màu nhợt nhạt.
Phòng và điều trị bệnh
Hiện nay, hội chứng giảm đẻ ở gà chưa tìm ra thuốc đặc trị. Vì vậy, phòng bệnh vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ đàn gà đẻ tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh. Trong phòng bệnh, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. Tiêm phòng cho đàn gà đẻ ở tuần tuổi thứ 15 - 16. Thường xuyên bổ sung vitamin như Electrolytes, Tetramycin trứng và Biozim trong nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
NGUYỄN MINH ĐỨC
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh