Năm 2020, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển 1.950 chỉ tiêu, tiếp tục tổ chức thi năng khiếu báo chí với 6 chuyên ngành thuộc khối nghiệp vụ.
Tân sinh viên nhập học Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 20.8.2019. Ảnh: Song Tre Festival
Các chuyên ngành sử dụng bài thi năng khiếu gồm: báo in, phát thanh, truyền hình, mạng điện tử, ảnh báo chí và quay phim truyền hình. Thí sinh sử dụng điểm thi năng khiếu, ngữ văn và một môn nữa chọn từ các bài thi toán, tiếng Anh, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT tạo thành tổ hợp ba môn để xét tuyển. Điểm trúng tuyển của mỗi tổ hợp là khác nhau.
Kỳ thi riêng với khối nghiệp vụ được Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt đầu triển khai từ năm 2015 và duy trì đến nay. Hai năm gần đây, trường tổ chức thêm phần phỏng vấn với thí sinh dự thi ảnh báo chí và quay phim truyền hình.
Ngoài thi riêng, trường vẫn tuyển sinh bằng các phương thức khác gồm tuyển thẳng, xét tuyển học bạ và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT cho các chuyên ngành còn lại.
Nếu đạt một trong các điều kiện sau, thí sinh đủ điều kiện tuyển thẳng: sở hữu giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi cấp quốc gia các môn văn hóa tương ứng với ngành dự tuyển; có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên và học lực tối thiểu loại khá, hạnh kiểm tốt ba năm THPT. Riêng thí sinh dự thi các ngành báo chí phải có điểm năng khiếu tối thiểu 5.
Năm nay, trường tuyển 1.950 chỉ tiêu tại 39 chuyên ngành, trong đó truyền thông đại chúng và quản lý kinh tế cùng lấy 100 chỉ tiêu, còn lại ở mức 40-80.
Năm 2019, chuyên ngành báo truyền hình tổ hợp văn, năng khiếu báo chí, khoa học xã hội của trường lấy điểm cao nhất là 24. Các ngành thuộc khối lý luận lấy điểm chuẩn 16-18 như triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học.
Theo VnExpress