Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề xây dựng Đảng là sự nghiệp của cả cuộc đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng
Và trong xây dựng Đảng, Người luôn nhấn mạnh đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ba mặt xây dựng Đảng này tạo thành thế vững chắc, là cơ sở lý luận và thực tiễn của Đảng, dẫn đến thành công.
Theo Bác, muốn xây dựng Đảng tốt, thì phải có người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng và người đó biết liên hợp người lãnh đạo với quần chúng. Như việc chỉnh đốn Đảng, ngoài những kế hoạch chung, mỗi cơ quan chính quyền, mỗi đơn vị bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan chính quyền, đơn vị bộ đội, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển trong những bộ phận đó. Đồng thời, trong vài ba bộ phận, người lãnh đạo lại chọn năm, ba cán bộ, chiến sĩ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết, sự học tập và công tác của họ để nhân điển hình. Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế để rút kinh nghiệm. Đây là kinh nghiệm vừa lãnh đạo, vừa học tập. Áp dụng kinh nghiệm này, nhất định sẽ trở thành người lãnh đạo tốt.
Trong xây dựng Đảng, Bác đặc biệt nhấn mạnh đến sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Bác nhiều lần nhấn mạnh rằng lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Giữa lý luận và thực tiễn, Người đặt nó trong một tổng thể thống nhất gắn bó; cái này không tồn tại nếu không có cái kia và hai cái luôn luôn tác động lẫn nhau, nhưng cơ sở của tác động qua lại này là thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, giai đoạn cách mạng này không giống với giai đoạn của cách mạng trước. Mỗi giai đoạn cách mạng đều có những nét phổ biến và những nét đặc thù. Vì vậy, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải luôn luôn biết nhìn lại mình một cách nghiêm túc nhất.
Vì vậy, Người yêu cầu: "Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công".
Bác cũng rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, giúp nhau cùng tiến bộ. Tự phê bình và phê bình cũng cốt để sửa đổi cách làm việc sao cho tốt hơn, đúng hơn; cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Thông qua tự phê bình và phê bình mà tạo ra những cái mới, tiến bộ, khắc phục những trở ngại trên bước đường đi lên của xã hội; giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, nội tại, mang lại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và xã hội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng.
Trong xây dựng Đảng, Bác nói nhiều đến ý Đảng - lòng dân. Bác nói: "Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt". Dân theo Đảng làm cách mạng là dân tốt. Bác kêu gọi phải đoàn kết với nhân dân, gắn bó máu thịt với dân, dân chủ với dân, tôn trọng dân, gần dân, thân dân và phải tổ chức nhân dân lại. Đảng phải lãnh đạo nhân dân bằng cách nêu cao tinh thần làm chủ của nhân dân để giải phóng nhân dân, để nâng cao sinh hoạt văn hóa, chính trị của nhân dân. Khi nhân dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng.
Bác nhiều lần nhấn mạnh đến phận sự người cán bộ, đảng viên. Quan điểm của Bác là ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Bác kêu gọi mỗi người trong Đảng phải hiểu lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng, của cách mạng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. "Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc". Người chỉ ra rằng, “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng"”.
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó có được là do năng lực lãnh đạo, tầm trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng luôn được nâng cao, do sự phấn đấu bền bỉ của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tiến bộ trên nhân loại.
Nhưng Đảng ta sẽ mất vai trò lãnh đạo toàn xã hội và sẽ không được nhân dân tín nhiệm, nếu yếu kém, không trong sạch, vững mạnh. Do đó, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn bản thân Đảng là một yêu cầu của chính sự nghiệp cách mạng trong tất cả các thời kỳ, để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, văn minh”. Đây là quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự quan tâm hằng ngày của Người nhằm giáo dục cho toàn Đảng tinh thần luôn luôn rèn luyện, phấn đấu, để chiếm trọn sự tin yêu của nhân dân.
Xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung vào sự đoàn kết thống nhất lành mạnh trong Đảng. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ và đảng viên của Đảng phải tự ý thức được và có trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước dân. Hãy vì Đảng, vì dân mà phấn đấu, chiến đấu, chứ không phải vì địa vị cá nhân, lợi ích cá nhân; phải có ý thức xây dựng tập thể cao; chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, tham vọng quyền lực.
TTXVN