Học sinh cả nước nghỉ học nhiều tuần vì dịch bệnh do chủng mới virus Corona (Covid-19), nhà trường đương nhiên bị ảnh hưởng, nhất là các trường tư.
Trường Mầm non Nemo (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là một trong nhiều trường tư chịu thiệt hại về tài chính vì COVID-19
Không có nguồn thu trong khi vẫn duy trì các khoản chi như bình thường, nhiều trường tư lao đao. Đáng nói, họ đang ở vào thế bị động vì chưa biết khi nào học sinh đi học trở lại.
Tiền tỉ ra đi
Chị Đ.K.P. có hệ thống trường mầm non quốc tế, gồm 3 cơ sở ở quận 7 và H.Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) với gần 600 học sinh. Đến nay học sinh đã nghỉ 3 tuần và có thể kéo dài. Chị nói: "Từ đó trường chưa thu và không thu những khoản nào từ phụ huynh. Trường phải trả đủ lương để giữ giáo viên, tiền thuê mặt bằng, nghĩa là chi phí vẫn như bình thường, nhưng nguồn vào là con số 0 nên đã ra đi tiền tỉ".
Cùng chung nỗi lo, chị U.N., chủ hệ thống các trường mầm non tư thục tại nhiều quận ở TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Tôi có tổng cộng 6 nhóm trường ở nhiều quận, gồm 400 cháu. Tùy từng quận mà mức thu học phí khác nhau, nơi cao nhất là gần 5 triệu đồng/tháng. Các con nghỉ, trường vẫn trả tiền thuê mặt bằng 6 nơi, tiền giáo viên... Trường lại thu từng tháng chứ không thu theo học kỳ như các trường khác. Học sinh không đi học, không đóng tiền, mà từ lao công đến giáo viên vẫn phải trả đều. Tính ra thiệt hại gần 500 triệu đồng/tháng".
Chị Lê Thị Bé Tuyết, chủ Trường mầm non Đô Rê Mi (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cũng lo về thiệt hại tài chính cho 2 cơ sở trường của mình, với hơn 400 cháu.
Chị nói: "Bình thường trả lương hằng tháng, mua bảo hiểm cho giáo viên, công nhân viên... chi tất cả là 350 triệu đồng. Do dịch bệnh trường đóng cửa, trường không chi giống hoạt động bình thường mà trả theo lương tối thiểu vùng và mua bảo hiểm xã hội cho hơn 40 giáo viên, nguồn chi ra là 240 triệu đồng, trong khi vẫn chưa thu tiền của học sinh, mà cũng không có cơ hội gặp được phụ huynh".
Từ cắt giảm giáo viên đến... giải thể
Vì có đến 6 trường mầm non nên khi hỏi về phương án, chị U.N. nói không thể bỏ cuộc dễ dàng và chia sẻ rằng phải chấp nhận và ráng "gồng".
Chị nói: "Thiệt hại rất nhiều và cũng rất buồn. Tôi cũng sợ "dòng chảy" số lượng các bé cứ nghỉ dài không đến trường, khi đi học lại chuyển trường khác nên cố làm tốt, cố trả đủ lương giáo viên và đóng bảo hiểm xã hội đủ, bằng cách đem tài sản đất đai đi cầm cố mà duy trì".
Ngoài ra, chị còn nghĩ cách có việc làm cho giáo viên tại nhà là kết nối phụ huynh với giáo viên. Chị cho rằng: "Giáo viên mầm non ai cũng đếm từng ngày đi dạy lại, phụ huynh có con nhỏ rối bời không có chỗ gửi, gửi bên ngoài không có chuyên môn, không qua trường lớp lại không an tâm. Nên tôi kết nối giáo viên và phụ huynh lại với nhau cũng là một giải pháp".
Trong khi đó, trong tình thế phải cân nhắc, tùy tình hình mỗi trường có một lựa chọn riêng. Chị Lê Thị Bé Tuyết cũng lên phương án về thiệt hại tài chính.
"Nhiều đêm tôi trăn trở để nghĩ ra giải pháp. Lựa chọn nào cũng có cái được và mất. Tôi rất tâm tư để đưa ra những phương án vẹn toàn nhất có thể. Cuối cùng, tôi chọn cắt giảm 1/3 số giáo viên hợp đồng. Tôi có thông báo trước cho giáo viên để các cô chuẩn bị xin công việc mới. Một quyết định rất khó khăn nhưng trường cũng không có cách nào khác" - chị Tuyết giãi bày.
Còn ông Nguyễn Tú Sơn, chủ trường mầm non ở Đồng Nai, từng cầm cố nhà, vay mượn để mở được trường mầm non 3 năm nay, nhưng tuyển sinh chưa được nhiều. "Nếu tháng 3 tiếp tục nghỉ, tôi chỉ có một giải pháp cuối là... giải thể", ông buồn bã nói.
Chia sẻ với trường Anh Phạm Nghĩa có hai con học Trường mầm non Nemo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), dù trường không thu học phí lúc học sinh không đi học nhưng anh vẫn đóng đủ 16 triệu đồng/2 tháng cho 2 con. "Tôi xem đây như là một cách chia sẻ trong mùa dịch trên tinh thần tự nguyện của gia đình. Đặt bản thân mình là chủ trường, rơi vào mùa dịch cũng sẽ rất khó khăn. Chút chia sẻ nhỏ nhoi, cũng để dạy cho con lòng biết ơn cô thầy" - anh Nghĩa nói. Giảng viên Trường Đại học Văn Lang hướng dẫn sinh viên học trực tuyến Giảm lương nhân viên, buộc giảng viên dạy online Sáng 17.2, nhiều giảng viên, nhân viên, giáo vụ các khoa của Trường ĐH Văn Lang xôn xao sau khi lãnh đạo các khoa thông tin việc nhà trường sẽ giảm lương nhân viên (giáo vụ, văn phòng) và buộc giảng viên phải đến lớp để triển khai dạy online. Một nhân viên của trường buồn bã cho biết: "Bộ phận bảo vệ, dịch vụ trường đã cho nghỉ bớt một số người. Đối với nhân viên, trường sẽ giảm 40% lương tháng 3 này do không phải tiếp sinh viên, phụ huynh... Trong khi thực tế dù sinh viên nghỉ học nhưng chúng tôi ngày nào cũng có mặt ở trường, công việc văn phòng còn nhiều hơn ngày thường". Theo giảng viên khoa quan hệ công chúng - truyền thông và nghệ thuật, nhà trường đã điều chỉnh phương án tổ chức giảng dạy, tiếp tục cho sinh viên nghỉ ở nhà và học trực tuyến đến hết tháng 2-2020. "Trường yêu cầu giảng viên phải lên lớp dạy online theo thời khóa biểu bình thường trong thời gian sinh viên nghỉ và có hệ thống giám sát để tính lương... Vì không đồng ý, một số giảng viên thỉnh giảng đã trả lớp nên trường yêu cầu giảng viên cơ hữu gánh dạy online luôn" - một giảng viên cho hay. Ngày 9.2, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - viết trên Facebook cá nhân: "Mới có hơn 50% giảng viên tương tác trên hệ thống LMS của trường (số liệu thống kê từ ngày 31-1 đến 7-2). Trưởng khoa nhắc nhở giảng viên tích cực hơn nữa để từ ngày 10-2 có 100% giảng viên giảng dạy online. Giảng viên nào không dạy online sẽ bị cắt lao động tiên tiến". Ngay sau đó, một số giảng viên của trường phản ứng: "Nếu giảng viên lên lớp đầy đủ, đảm bảo chương trình theo quy định vậy tại sao lại đòi cắt lao động tiên tiến, cắt giảm lương? Việc giảng viên phải dạy online trong mùa dịch, nhà trường chỉ nên khuyến khích. Dạy trực tuyến rồi, sau này giảng viên có phải lên lớp dạy bù nữa không?". "Chỉ là ý kiến đề xuất" ThS Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang - cho biết sáng 15.2, lãnh đạo trường có họp về việc triển khai công tác giảng dạy trực tuyến với lãnh đạo các khoa, đơn vị chức năng trong trường. Theo phương án mới, giảng viên sẽ đến lớp theo đúng thời khóa biểu (ngày học, giờ học) mà sinh viên đã đăng ký từ ngày 17.2 để triển khai dạy online. "Hiện nay, giảng viên làm việc theo hợp đồng với giờ giảng và một số công việc chuyên môn theo quy định. Trong những ngày tới, thầy cô lên lớp dạy học như thường ngày, chỉ thay đổi ở phương thức kết nối với sinh viên là qua hệ thống MS Team của Microsoft Office. Sau này giảng viên sẽ dạy bù cho thời gian sinh viên nghỉ học để đảm bảo chất lượng đào tạo. Có thể tại cuộc họp trên, một số ý kiến cho rằng hiện nay sinh viên nghỉ học, nhiều vị trí việc làm của nhân viên giảm rất nhiều (bảo vệ, bộ phận đón tiếp sinh viên...) cần tính toán lại lương cho phù hợp, nhưng đó chỉ là ý kiến đề xuất của cá nhân, nhà trường chưa có chủ trương này" - ông Tuấn nói. PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - hiệu trưởng nhà trường - cho biết thêm cán bộ, giảng viên, nhân viên chính thức được hưởng lương theo hệ thống lương của trường. Còn các nhân viên khối dịch vụ (bảo vệ, nhân viên lao công, tạp vụ...) trường thuê bên ngoài, nếu có điều chỉnh gì thì chỉ áp dụng với nhóm đối tượng này. |
Theo Tuổi trẻ