Đây là nội dung Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo .
Từ ngày 2.2.2018, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông có hiệu lực thi hành.
Theo đó, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên bộ môn… triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.
Nội dung tư vấn bao gồm: tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn, giáo dục kỹ năng ứng xử, phòng chống bạo lực và xâm hại; tư vấn khả năng giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp…
Việc tư vấn được thực hiện thông qua các hình thức: xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý, bố trí thành bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, câu lạc bộ, diễn đàn; tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc qua trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và phương tiện thông tin truyền thông khác…
Nhà trường có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.
Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.