Học Bác gần dân, trọng dân

18/05/2019 10:41

Học Bác gần dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân không phải là việc chỉ nói suông mà cần những kế hoạch hành động cụ thể.

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh quý II năm nay có chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân”. Đây là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự. 

Nói đến tinh thần tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân của Bác, tôi lại nhớ tới câu chuyện Bác Hồ đến chúc Tết gia đình một người gánh nước thuê ở Hà Nội vào Tết Nhâm Dần 1962. 

Tết năm ấy, Bác nhờ một đồng chí cảnh vệ bí mật tìm cho mình một gia đình “nghèo nhất ở Hà Nội” để Bác đến thăm lúc giao thừa. Bác không muốn Thành ủy Hà Nội sắp xếp cuộc viếng thăm này bởi rất có thể người được chọn sẽ không phải là người nghèo nhất như hoàn cảnh gia đình chị Tín, người gánh nước thuê trong một ngõ nhỏ ở Thủ đô mà Bác đến thăm hôm đó. Chị Tín là một góa phụ, một công nhân bị thất nghiệp nên phải kiếm sống bằng nghề gánh nước thuê. Ngay trước thời khắc giao thừa, chị vẫn phải tranh thủ đi gánh nước để có tiền mua quà Tết cho con. Tận mắt thấy cuộc sống của người dân nghèo, Bác nói với các đồng chí trong Bộ Chính trị: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…”

Bác chính là như thế, cả cuộc đời luôn vì nước, vì dân, với ham muốn tột bậc “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người luôn đến với dân bằng phong cách quần chúng, gần gũi, cởi mở. Với nhiều người dân Hải Dương, hình ảnh Bác cùng đạp guồng nước với dân ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) hay tự tay múc nước giếng của người dân xã Nam Chính (Nam Sách) uống khi Người về thăm đã để lại ấn tượng sâu sắc.

Học và làm theo Bác, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực biến mong ước của Bác thành hiện thực. Đời sống của người dân Hải Dương đã ngày một ấm no, văn minh. Những cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân, doanh nghiệp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; những chuyến đi kiểm tra thực tế, những cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp dân được thực hiện nghiêm túc đã thể hiện rõ tinh thần học và làm theo Bác của cán bộ lãnh đạo các cấp trong tỉnh. Việc phát huy quyền làm chủ của dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hay trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều việc mà khoảng cách giữa học và làm theo vẫn còn khá xa. Chuyện người dân tập trung khiếu kiện đông người, người dân một số địa phương chưa đồng tình ủng hộ chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, khu dân cư… cho thấy trong một số trường hợp cụ thể, cấp ủy, chính quyền và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Vẫn còn có nơi cán bộ có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, chưa thực sự gần dân, hiểu dân. Một số nơi chưa thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, có biểu hiện đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của nhân dân. Chuyện cán bộ hứa với dân rồi để đấy, hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn, gây phiền hà, sách nhiễu cho dân vẫn xảy ra tại một số địa phương, đơn vị… 

Học Bác gần dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân không phải là việc chỉ nói suông mà cần những kế hoạch hành động cụ thể. Đơn giản như trước khi thực hiện một chủ trương mới có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân cần khảo sát kỹ tình hình thực tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân rồi mới quyết định thực hiện. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền cũng nên dành thời gian “vi hành” để tự mình nắm tình hình thực tế thay vì chỉ nghe qua báo cáo, nghe tình hình của dân qua lời nói của cán bộ cấp dưới. Phát huy dân chủ chính là tạo cơ hội, tạo niềm tin để người dân mạnh dạn bày tỏ ý kiến, đồng thời cán bộ thực hiện tốt những việc đã hứa trước dân…


HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học Bác gần dân, trọng dân