Với nhiều việc làm ý nghĩa, hình ảnh người chiến sĩ quân y Bệnh viện 7 được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu.
Bác sĩ Bệnh viện 7 (Quân khu Ba) khám bệnh cho đối tượng chính sách tại xã Phạm Mệnh (Kinh Môn)
Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo Ban giám đốc Bệnh viện 7 (Quân khu Ba) chúng tôi đã đưa ra câu hỏi: “Điều gì khiến các đồng chí băn khoăn, trăn trở trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh?”. Không cần rào trước đón sau, Đại tá, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hà, Giám đốc bệnh viện nói ngay: “Băn khoăn thì không, nhưng trăn trở thì có đấy. Điều mà chúng tôi trăn trở là làm sao để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải trở thành việc làm thường xuyên và trên hết là kết quả phải đi vào thực chất”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy sự trăn trở đó được chỉ đạo thực hiện như thế nào?”. “ Sau 5 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã có bước chuyển về “chất” hay nói chính xác là sự trưởng thành của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân. Kết quả đó đã phản ánh sự quyết tâm, bền bỉ trong công tác giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cũng như bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ theo tiêu chí người thầy thuốc bộ đội Cụ Hồ”- Tiến sĩ Bùi Mạnh Hà cho biết.
Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đến các khoa, ban và thấy rằng cán bộ, nhân viên ở đây đều có nhận thức đúng đắn, hành động bằng những việc làm cụ thể hàng ngày. Thiếu tá Đỗ Thị Lan Huế ở bộ phận Cận lâm sàng nói: “Y đức chính là sự tận tâm với người bệnh, coi người bệnh như người thân của mình. Điều đó thể hiện ở sự chăm lo người bệnh từ bữa ăn, giấc ngủ đến hướng dẫn, điều trị và chia sẻ tâm tư, lo lắng để bệnh nhân quên đi nỗi đau bệnh tật”. Theo Trung úy Nguyễn Thị Điều nhân viên Ban Y vụ thì y đức còn là sự kiên nhẫn, chị kể: “ Có ca trực đêm bệnh nhân bị rối loạn thần kinh chức năng đến khám, chúng tôi nhanh chóng làm thủ tục, đưa bệnh nhân nhập viện, nhưng gia đình người bệnh do không hiểu tính chất bệnh nên đã gay gắt, lăng mạ kíp trực. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn hết mình chăm sóc, phục vụ. Sau khi được bác sĩ giải thích cặn kẽ gia đình người bệnh đã bình tĩnh, hiểu và xin lỗi chúng tôi. Những tình huống như vậy nếu không biết kiềm chế cũng như không có sự thông cảm, chia sẻ và đặt tính mạng người bệnh lên hàng đầu thì khó làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình”.
Theo Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bệnh viện thì y đức và trình độ chuyên môn quyết định chất lượng khám chữa bệnh. Đi đôi với rèn luyện phẩm chất đạo đức, bệnh viện đã có nhiều biện pháp nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ cán bộ, thầy thuốc. Hằng năm, bệnh viện đã chú trọng làm tốt công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiên cứu khoa học. 3 năm qua, bệnh viện đã đào tạo 316 y sĩ, trên 200 điều dưỡng viên. Trong số hơn 60 đề tài nghiên cứu khoa học được thông qua, có 7 đề tài cấp Quân khu, 1 đề tài cấp tỉnh. Bệnh viện đã tổ chức và tham gia nhiều cuộc hội thi, hội thao kỹ thuật Liên bệnh viện, có nhiều cá nhân đoạt giải cao, được tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”. Công tác phối kết hợp, hiệp đồng giữa các khoa, ban, chế độ hội chẩn và điểm bệnh được thực hiện có nền nếp; hệ thống máy móc, phương tiện kỹ thuật hiện đại được khai thác hiệu quả phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành và điều trị bệnh nhân. Chính vì vậy, chất lượng chẩn đoán, điều trị ngày được nâng cao, đặc biệt, Bệnh viện đã làm chủ một số kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi tai, mũi, họng, phẫu thuật nội soi ổ bụng có can thiệp nhiều tạng, tán sỏi niệu quản ngược dòng, phẫu thuật thay thuỷ tinh thể bằng phương pháp pha-co, đóng đinh nội tuỷ có chốt ngang,…Từ năm 2010 đến nay đã khám 139.316 lượt người, nhận vào điều trị 31.881 lượt người, cấp cứu 13.441 ca. Nhiều ca bệnh nặng thuộc tuyến trên được điều trị tại bệnh viện. Điển hình như bệnh nhân Phạm Văn Xây, xã Lai Hạ (huyện Lương Tài, Bắc Ninh), bị máy gạch cuốn tới dưới đùi phải. Các bác sĩ vừa cấp cứu, vừa thao tác tháo đưa anh Xây ra khỏi chiếc máy gạch. Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc, xã Tân Phong (Ninh Giang) nhập viện trong tình trạng đa vết thương ở phần ngực và bụng. Được các bác sĩ bệnh viện tiến hành phẫu thuật, can thiệp kịp thời, chỉ sau 11 ngày chị Ngọc đã ổn định… Đó là hai trong hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo đã được các thầy thuốc Bệnh viện 7 cứu chữa kịp thời, giúp các bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tại chỗ, bệnh viện còn lập các tổ công tác, tổ cấp cứu lưu động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường tổ quân y làm nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh (Trường Sa) và tuyến đảo Đông Bắc; liên tục có 2 bác sĩ (nội, ngoại) luân phiên giúp đỡ về chuyên môn cho Bệnh viện Nhị Chiểu (Kinh Môn). Bệnh viện 7 chủ động phối hợp với y tế địa phương, định kỳ tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét, lao, bướu cổ, dịch bệnh... Với những việc làm ý nghĩa đó, hình ảnh người chiến sĩ quân y được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu. Năm 2011, Bệnh viện 7 là đơn vị điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được Bộ Tư lệnh Quân khu Ba tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng.
THÀNH VINH