Hoài niệm Phả Lại - sông Thương

28/09/2012 10:23

Từ Bắc Ninh đi về phía Hạ Long khoảng 26 cây số, con đường 18 bỗng sững lại trước một dòng sông.



Hội quân trên sông Lục Đầu tái hiện chiến công của quân và dân nhà Trần   
Ảnh: Thành Chung


Đó là Lục Đầu Giang từng nổi tiếng trong lịch sử chống quân Nguyên Mông từ thế kỷ 13 với chiến công hiển hách của quân dân đời Trần. Bên kia sông có một khu phố nhỏ, chỉ dăm ba dãy ngắn, ấy là thị trấn Phả Lại thuộc huyện Chí Linh (nay là phường Phả Lại thuộc thị xã Chí Linh).

Được trời phú cho một lợi thế là trên phố có chợ, dưới có bến có thuyền, người Phả Lại cứ đời này qua đời khác quần tụ thành làng chài suốt mép sông. Chiều chiều khi mặt trời còn ở trên ngọn tre, đã thấy các thuyền chài rộn rã tìm về bến để kịp chợ. Chợ Phả Lại một tháng sáu phiên chính, ngoài ra phiên xép ngày nào cũng có. Dân các vùng Quế Võ, Lương Tài, Chí Linh, Nam Sách… kéo về buôn bán. “Thượng vàng hạ cám” ở đây đủ cả.

Tiếng là thị trấn, nhưng Phả Lại là một thị trấn lao động. Ngót 5.000 dân, có 300 cửa hiệu máy khâu, hàng trăm cửa hiệu sửa xe đạp, làm mũ, bàn chải đánh răng gia công, chữa đồng hồ, gò thùng, khâu nón, cắt tóc, lò rèn, đóng đồ gỗ. Thị trấn thuở ấy có hai HTX cao cấp: Ngói 19-8 và Mộc dân dụng với mấy trăm xã viên.

Những ngày hội đền Kiếp Bạc, thị trấn càng thêm sôi động. Suốt một đoạn sông dài 4-5 cây số từ bến phà lên tới Vạn Kiếp, dập dềnh vài trăm chiếc thuyền nan chở khách trảy hội. Đứng trên núi Nam Tào nhìn xuống dòng sông Thương, những thuyền nan ken nhau như lá tre đang lững lờ trôi trên dòng nước suốt cả mùa thu tháng 8.

Vào những ngày ấy, Phả Lại dường như có một lực vô hình ép lại. Dọc đường bờ sông từ phố Trần Hưng Đạo trở lên đền, những dòng người quần áo đủ sắc màu, nườm nượp hướng về phía cửa đền Kiếp Bạc. Suốt một chặng đường dài hàng nghìn mét bờ sông, cơ man quán bán hàng “dã chiến” được dựng lên phục vụ khách.

Cứ như thế, người Phả Lại trôi qua những năm tháng yên bình và chiến tranh. Mái ngói nhuốm màu rêu phong, do thời gian đẽo gọt. Lũ trẻ lớn lên ra đi hết lớp này đến lớp khác… Khó mà biết được nó sẽ kéo dài đến bao giờ, nếu như không có một ngày 2-6-1978, có thông báo: Tất cả thị trấn phải dời đi về nơi ở mới để nhường nơi này cho một công trình thế kỷ. Đó là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại ngày nay. Tuy bây giờ cái thị trấn bé nhỏ nằm bên sông không còn nữa, nhưng chính chỗ này đã sừng sững mọc lên một nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất nhì cả nước, và một cây cầu Phả Lại bắc ngang sông thay cho bến phà cũ, cùng với con đường 18 được nâng cấp cho phù hợp với nhịp sống mới.

Gần đây, vào dịp giỗ trọng Đức Thánh - Trần Hưng Đạo, ngoài nghi thức dâng hương, tưởng niệm công đức ngài, Hải Dương còn tổ chức hội quân trên sông Lục Đầu, tái hiện lại những giờ phút thiêng liêng, hình ảnh sống động của quân dân nhà Trần đánh giặc ngoại xâm. Dưới sông, hàng chục chiếc tàu diễu hành với cờ hoa rực rỡ. Trên bờ sông, hàng trăm người dân địa phương trong trang phục quân lính thời Trần phất cờ trong âm thanh của dàn trống hội thúc dục khoan thưa. Cả vùng sông nước từ Nam Tào lên Bắc Đẩu rợp cờ hoa, hương trầm và âm thanh, cùng niềm hân hoan dào dạt của hàng vạn lượt con dân nước Việt về đây dự lễ hội.

Phả Lại bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Nhưng trong tâm khảm bao người vẫn chưa quên một thị trấn bến sông, một "dấu lặng đơn" trong bản nhạc đường trường từ Hà Nội về Hòn Gai đất biển. Cái cảnh ngồi đò dọc trên đoạn sông Thương, bồng bềnh, thư thái, ngắm nhìn non xanh nước biếc, bầu trời rộng lớn, và trong tiếng gió reo như phảng phất tiếng ngựa hí, gươm khua từ hơn bảy trăm năm trước vọng về, bây giờ chỉ còn là trong ký ức. Khách hành hương về đền Kiếp Bạc thường đi ô-tô qua Côn Sơn chứ chẳng mấy người còn đi thuyền nữa.

Cái thị trấn thơ mộng ấy, cũng chỉ còn trong ký ức những người đã vào tuổi ngoại tứ tuần. Những lớp trẻ tuổi 7X, 8X, 9X có nghe cũng chỉ là cổ tích.  Tôi vân vi nghĩ rằng: Giá như những năm 70 của thế kỷ trước, người ta chọn một địa danh nào đó để xây Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, nghĩa là đất nước ta vẫn hăng hái tiến quân vào công nghiệp hóa, nhưng một thị trấn cổ kính, yên bình đầy tầng sâu văn hóa vẫn còn?  Để bây giờ khi đọc lên câu ca dao cổ, không thấy bùi ngùi: "Ai đưa tôi đến chốn này/ Bên kia Phả Lại bên này Thành Phao”. Thành Phao Sơn gắn liền với nhà Mạc cũng đã rơi vào quên lãng…

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoài niệm Phả Lại - sông Thương