Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng một số quan chức cấp cao của Mỹ lại cáo buộc WIV là nguồn phát tán nCoV, làm dấy lên phản ứng giận dữ bên trong giới khoa học và chính quyền Trung Quốc.
"Chúng ta rồi sẽ biết virus đến từ đâu", Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 30.4. "Chúng tôi đang yêu cầu các nhà khoa học, cộng đồng tình báo cùng nhiều người khác xem xét sự việc rất kỹ lưỡng. Chúng ta sẽ có bức tranh toàn cảnh. Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời thỏa đáng. Và Trung Quốc có lẽ sẽ nói cho chúng ta".
Tổng thống Mỹ từ chối tiết lộ về việc ông có nắm được thông tin tình báo nào cho thấy virus bắt nguồn từ WIV hay không, với lý do ông không được phép công bố. Cộng đồng Tình báo Mỹ hôm 1.5, như hầu hết các nhà khoa học, bác bỏ giả thuyết nCoV là virus nhân tạo hoặc bị biến đổi gen, song cho biết họ đang xem xét khả năng nCoV thoát ra ngoài "sau một sự cố tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán". Giới chuyên gia đánh giá khả năng này khó xảy ra nhưng không phải không thể.
Được khánh thành năm 2015 với chi phí xây dựng 44 triệu USD và đi vào hoạt động từ năm 2018, Viện Virus học Vũ Hán ban đầu được Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc lên kế hoạch biến thành phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một trong những cơ sở lưu trữ những mẫu bệnh phẩm nguy hiểm nhất thế giới.
Giám đốc Viên Chí Minh (Yuan Zhiming) lúc bấy giờ tuyên bố WIV là một "mấu chốt quan trọng trong mạng lưới phòng thí nghiệm an toàn sinh học toàn cầu".
Các nghiên cứu ban đầu của WIV tập trung vào bệnh sốt xuất huyết ở Crimea và Congo, Ebola và virus Lassa Tây Phi. Về sau, WIV trở thành trung tâm nghiên cứu toàn cầu về chủng virus corona và những hậu quả tiềm tàng của nó, điều mà các nhà khoa học Trung Quốc đã được cảnh báo từ đại dịch SARS hồi đầu những năm 2000.
Thạch Chính Lệ, 55 tuổi, đã tiến hành hàng loạt cuộc thí nghiệm để tìm ra cách thức virus corona có thể lây truyền giữa những loài khác nhau. Năm 2004, bà phát hiện ra một ổ corona tự nhiên ở loài dơi sống trong các hang động phía nam Trung Quốc.
Trong suốt 15 năm kế tiếp, Thạch phối hợp cùng các chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới nghiên cứu cách virus lây truyền từ người sang người, trong đó có Peter Dazak, Chủ tịch Liên minh EcoHealth, tổ chức phi lợi nhuận trụ sở ở New York. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên cảnh báo về một "Dịch bệnh X" có thể gây ra đại dịch toàn cầu.
Năm 2017, Thạch và đội ngũ của mình phát hiện ra rằng virus corona gây ra dịch SARS bắt nguồn từ dơi, điều đã giúp bà xác định Covid-19 hồi đầu tháng 1. Tuy nhiên, việc dịch bùng phát ở Vũ Hán, cũng là nơi WIV được xây dựng, đã làm dấy lên nhiều hoài nghi trong chính đội ngũ nghiên cứu.
"Liệu chúng có thể bắt nguồn từ viện nghiên cứu của chúng ta không", Thạch cho biết bà từng nghĩ như vậy trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Scientific American hồi tháng 3. Dẫu sao, bà cùng các đồng nghiệp đã thu thập và lưu trữ vô số mẫu virus gây bệnh từ dơi trong nhiều năm qua.
WIV là một trong số ít cơ sở trên thế giới có mức độ bảo mật sinh học BSL-4, mức cao nhất được quốc tế công nhận. Họ tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt như không khí và nước phải được lọc và xử lý trước khi thải ra ngoài, các nhà nghiên cứu phải thay quần áo và tắm trước và sau khi rời phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, sự cố vẫn có thể xảy ra.
Năm 2003, dịch SARS ở Singapore có liên quan tới sự cố tại một phòng thí nghiệm bệnh viện khiến một sinh viên 27 tuổi bị nhiễm. Phòng nghiên cứu trên đạt tiêu chuẩn bảo mật sinh học BSL-3, nhưng kết quả điều tra cho thấy quy tắc an toàn đã bị vi phạm khi các nhà nghiên cứu buộc phải làm việc cùng nhau trong lúc một phòng thí nghiệm khác được cải tạo.
SARS cũng được báo cáo là đã thoát khỏi một số cơ sở nghiên cứu tiêu chuẩn an toàn cao ở Bắc Kinh nhiều lần. Hiện chưa rõ nCoV chỉ được xử lý trong các phòng thí nghiệm BSL-4 hay còn nơi nào khác.
"Tất nhiên, có khả năng nguyên nhân là do sai sót của con người", một nhà khoa học Pháp từng tới phòng thí nghiệm Vũ Hán nói.
Virus cũng có thể thoát ra từ một phòng thí nghiệm khác, ví dụ Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Vũ Hán. Đây là cơ sở hoàn toàn tách biệt, cách chợ hải sản Vũ Hán, nơi vốn được cho là điểm bùng dịch ở Trung Quốc, chỉ 300 m.
WIV từ lâu đã căng thẳng với giới nghiên cứu quốc tế về cách xử lý các mầm bệnh nguy hiểm. Nó ban đầu là cơ sở liên kết giữa Trung Quốc và Pháp, nước cũng có phòng thí nghiệm BSL-4 ở Lyon.
Michel Barnier, Ngoại trưởng Pháp dưới thời Tổng thống Jacque Chirac, năm 2004 đã ký thỏa thuận dẫn tới sự ra đời của WIV. Nhưng các công ty Pháp chỉ giữ vai trò nhỏ trong quá trình xây dựng phòng thí nghiệm và vào thời điểm WIV khánh thành năm 2017, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên đã sụp đổ.
Technip, công ty Pháp đáng lẽ sẽ đứng ra chứng nhận WIV tuân thủ các quy định an toàn, từ chối làm điều này sau khi rút khỏi dự án vào năm 2015. Mặt khác, 50 nhà khoa học Pháp dự kiến tới Vũ Hán làm việc tại WIV trong vòng 5 năm chưa bao giờ đặt chân tới đây, theo báo Le Figaro và kênh truyền hình nhà nước France Inter.
Challenge, một tạp chí kinh doanh của Pháp, từng đưa tin hợp tác song phương thất bại khi các quan chức quân đội Pháp từ chối cung cấp cho Trung Quốc những loại virus chết người hay các bộ đồ bảo hộ chống virus, bởi lo ngại chúng được sử dụng cho mục đích nghiên cứu vũ khí sinh học.
Tuy nhiên, đây không phải dấu chấm hết cho mối hợp tác quốc tế. Năm 2013, Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston thuộc Đại học Texas, cơ sở nghiên cứu mầm bệnh hàng đầu Mỹ, bắt đầu hướng dẫn các nhà nghiên cứu Trung Quốc cách thức làm việc trong phòng thí nghiệm BSL-4.
Động thái này khiến một số quan chức Pháp cho rằng Paris đã thua Washington. James LeDuc, Giám đốc phòng thí nghiệm Galveston, không tin vào khả năng nCoV vô tình thoát khỏi WIV vì những cơ sở kiểu như vậy có các quy trình vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, ông lưu ý không thể loại trừ khả năng xảy ra sự cố.
Tỷ lệ xảy ra sự cố dù nhỏ cũng đã được những người ủng hộ thuyết âm mưu khai thác, gây ra những thiệt hại thực sự cho việc nghiên cứu khoa học, thậm chí trước cả khi Tổng thống Trump nêu lại giả thuyết này hồi tuần trước.
Hôm 24.4, Viện Y tế quốc gia Mỹ đột ngột cắt khoản viện trợ cho nghiên cứu của tiến sĩ Daszak với nhà virus học Thạch Chính Lệ.
Giới chức Trung Quốc liên tục bác bỏ thông tin cho rằng nCoV bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Một số quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nước này thậm chí còn cáo buộc ngược lại rằng virus có thể xuất phát từ Mỹ.
"Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm trong nỗ lực ứng phó với Covid-19. Hai chuyên gia Mỹ đã ở Trung Quốc trong phái đoàn chung WHO - Trung Quốc hồi cuối tháng 1. Tại sao không hỏi các chuyên gia Mỹ liệu có phải virus khởi nguồn từ Mỹ hay không? Người Mỹ cần câu trả lời. Thế giới có quyền được biết", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 29.4 viết trên Twitter.
Dòng tweet của bà nhằm đáp trả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người trước đó nói rằng: "Đảng Cộng sản Trung Quốc cần minh bạch trong lúc thế giới tìm kiếm các câu trả lời về Covid-19 cũng như nguồn gốc của nó... Chúng tôi vẫn chưa thể đưa các chuyên gia của mình tới thực địa để tiến hành những công việc cần làm. Trung Quốc có trách nhiệm hợp tác".
Hồi tháng 3, Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã khơi dậy một cuộc tranh cãi với Mỹ khi ông đưa ra thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ có thể đã "mang nCoV tới Trung Quốc".
Theo VnExpress