Nguyễn Sáng (1923-1988) là danh hoạ nổi tiếng từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Nói đến Nguyễn Sáng là nói đến những bức sơn mài nổi tiếng của ông: “Giặc đốt làng tôi”, “Hành quân đêm”, “Thánh Gióng’, “Chọi trâu”, “Không gian”, “Tình cảm nghệ sĩ”... Đỉnh cao là “Kết nạp Đảng trong giao thông hào Điện Biên”, có người ngoại quốc đặt giá tới 2 triệu đô la. Sau này ông được tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh đợt 1- 1996.
Tài danh như thế, nhưng có một lần đến Sa Pa, vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên đã làm ông bất lực với cây cọ hay sao mà Nguyễn Sáng đã vẽ... bằng thơ. Ấy là vào tháng 7-1963, Nguyễn Sáng viết bài thơ “Tản mạn Sa Pa” (đăng trên báo Văn Nghệ số 10 ra ngày 9-3-1991- số đặc biệt kết thúc cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ 1989-1990).
Trong bài “Tản mạn Sa Pa” có những câu thơ độc đáo, mà thi sĩ chuyên nghiệp cũng không để tâm bằng ông: "Hoa rừng đã héo bao nhiêu/Héo hon vẫn dặn anh yêu một người”.
Hay: “Núi cao vẫn cứ say mây/Ra về vẫn nhớ nơi đây ngọt ngào/Chia tay không một lời chào/Mây không hẹn núi, núi nào say mây”.
Tâm trạng hoạ sĩ thật nhớ nhung, da diết. Hẳn khi lên Sa Pa ông đã tương tư một sơn nữ. Say hơn thế, mê hơn thế nên ông đã viết: “Suối reo, suối khóc, suối cười/Sống chung chi nữa hỡi người của tôi”.
Nhân cách hóa để cho cả sông, suối: khóc, cười, reo, ông còn nhân hóa cả hoa cũng héo vì nhớ, vì thương: “Hoa rừng đã héo bao nhiêu/Héo hon vẫn dặn anh yêu một người”.
Được biết, khi viết bài thơ này (năm 1963) họa sĩ Nguyễn Sáng 40 tuổi, ông vẫn sống đơn côi ở trong một ngôi nhà 10 m² ở Hà Nội, nên khát yêu là phải. Ở đây, trước thiên nhiên Sa Pa, cảm xúc của hoạ sĩ trào ra không từ mảng khối, màu sắc, đường nét, mà phải bằng ngôn ngữ của thơ ca, nhờ thơ “vẽ” giúp ông.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)