Chính sách hỗ trợ nhà màng, nhà lưới của huyện Nam Sách đã đem lại hiệu quả rõ nét, khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Các mô hình được lựa chọn hỗ trợ phải áp dụng khoa học kỹ thuật, đáp ứng được sự thẩm định, đánh giá nghiêm ngặt
Khuyến khích các mô hình tiên tiến
Việc hỗ trợ các mô hình sản xuất nhà màng, nhà lưới ở Nam Sách được thực hiện khá sớm. Từ năm 2011, huyện đã hỗ trợ để xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất này nhằm khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Mô hình nhà màng của gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Uông Hạ (xã Minh Tân) được huyện chọn làm điểm từ năm 2011. Với 400 m² nhà lưới gia đình ông được huyện hỗ trợ 50% chi phí và tư vấn kỹ thuật. Ngay vụ đầu, ông Thường trồng hoa ly và dưa kim cô nương đã cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Được huyện hỗ trợ kinh phí, ông Thường tiếp tục mở rộng mô hình lên 1.000 m2, hiện trồng dưa và cần tây trái vụ. Các sản phẩm ông trồng theo kỹ thuật tiên tiến nên được khách hàng tìm đến tận nơi đặt hàng. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế đạt từ vài chục đến gần 100 triệu đồng/sào.
Từ mô hình này, huyện Nam Sách khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp, trong đó có nhà màng, nhà lưới. Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời có các cơ chế hỗ trợ về giống rau màu, phân bón, thuốc trừ sâu với những mô hình sản xuất tiên tiến. Huyện hỗ trợ 100.000 đồng/m² nhà màng, 50.000 đồng/m² nhà lưới. Các mô hình được lựa chọn hỗ trợ phải áp dụng khoa học, kỹ thuật, đáp ứng được sự thẩm định, đánh giá nghiêm ngặt. Phía gia đình phải ký cam kết, tuân thủ các quy định về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm... Những mô hình nhỏ lẻ, không đủ diện tích 500 m², xây dựng tạm bợ, không áp dụng khoa học, kỹ thuật sẽ không được xem xét hỗ trợ. Bởi vậy, không có tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ để mở rộng quy mô gây lãng phí.
Mô hình nhà màng trồng hoa giống của anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Phù Liễn (xã Hồng Phong) rộng 10.000 m2. Anh Chiến cho biết đầu tư nhà màng hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống song chi phí ban đầu rất lớn. Để xây dựng được mô hình trồng hoa giống này, anh đã phải vay vốn hàng tỷ đồng. Đến nay, vườn của anh đã cung cấp hoa giống uy tín cho bà con trong vùng và khắp miền Bắc, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động mùa vụ. Qua nhiều lần nghiên cứu, thẩm định, đánh giá hiệu quả, năm 2018, huyện Nam Sách đã lập hồ sơ hỗ trợ kinh phí cho mô hình của anh Chiến. Việc hỗ trợ không chỉ giải bài toán về kinh tế mà còn giúp anh vững tin vào hướng đi của mình.
Coi trọng ứng dụng công nghệ cao
Trong hỗ trợ nhà màng, nhà lưới, huyện Nam Sách chú trọng hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp táo bạo, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, thử nghiệm các loại cây trồng đặc sản, cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Năm 2016, anh Nguyễn Như Thoáng ở thôn Đoàn Kết (xã Hồng Phong) đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt nhà màng trồng thử nghiệm 1.000 cây dâu tây. Tết năm 2017, lứa dâu tây của anh đã cho thu hoạch với năng suất cao. Nắm bắt được tiềm năng và hiệu quả của cây dâu tây, vợ chồng anh Thoáng nhân rộng mô hình trồng 6.000 cây dâu tây với đủ loại giống đặc sản nổi tiếng thế giới. Dâu tây được anh trồng bằng quy trình hữu cơ, khép kín, không dùng chất bảo vệ thực vật nên sản xuất không đủ bán. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, huyện đã hỗ trợ gia đình anh 100.000 đồng/m2 nhà màng. Sau khi được hỗ trợ, anh không chỉ tự sản xuất được giống dâu tây cho mình mà còn trở thành đầu mối cung cấp giống dâu tây uy tín ra nhiều tỉnh, thành phố khác.
Theo ông Võ Hồng Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, cùng với hỗ trợ kinh phí cho các mô hình nhà màng, nhà lưới, ngành nông nghiệp huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất. Với những mô hình nhà màng, nhà lưới, huyện cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách phòng trừ các loại sâu bệnh và định kỳ kiểm tra theo dõi. Với các gia đình có ý định xây dựng nhà màng, nhà lưới, cán bộ nông nghiệp huyện sẽ tư vấn, định hướng về quy mô, cây trồng, tiềm năng. Đến nay, Nam Sách có 7 mô hình nhà màng, nhà lưới với khoảng 20.000 m2 được hỗ trợ kinh phí, trợ giúp khoa học, kỹ thuật. Trong đó, ngoài phần của tỉnh, huyện hỗ trợ hơn 16.000 m2. Đến nay, các mô hình được hỗ trợ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.
NGỌC HÙNG