<b>Mô hình hỗ trợ người nghèo sản xuất của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp như mang đến cho họ những chiếc cần câu để họ vươn lên thoát nghèo.</b><br>
Cơ sở sản xuất của Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) đang
tạo việc làm cho hàng chục lao động nghèo
Trước đây, ông Bùi Văn Đại, ở thôn Mạc Động, xã Liên Mạc (Thanh Hà) không có vốn làm ăn, không có nghề nghiệp gì ngoài làm nông nghiệp. Ông xoay xở mãi trên mảnh đất chiêm trũng mà chẳng thể thoát được cái đói, cái nghèo. Hiểu được khó khăn của hội viên, Hội Cựu chiến binh huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội vay giúp ông 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông Đại cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chuyên canh cây ổi là thế mạnh của địa phương. Ông tích cực học hỏi những kinh nghiệm trồng trọt hiệu quả nhất. Đến nay, 1,2 mẫu ổi của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định khoảng 70 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập này giúp gia đình ông Đại vươn lên thoát nghèo, nuôi 2 con ăn học.
Gần 1 tháng nay niềm vui đã trở lại trong căn nhà của ông Phạm Văn Bình ở thôn Thượng Cốc, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Con bò cái mua từ tiền Hội Người mù cho vay không lấy lãi đã mang đến niềm hy vọng không nhỏ cho ông. Trước đây, cuộc sống của vợ chồng ông phụ thuộc vào nghề mài dao kéo dạo. Khoảng 1 năm trước, vợ ông bệnh nặng qua đời. Ông không còn người hằng ngày chở đi để hành nghề. Tuổi cao, lại khiếm thị, ông không biết làm gì để sống. Mọi chuyện giờ đã thay đổi theo hướng tốt hơn. Ông Bình chia sẻ: “Dù không nhìn thấy rõ nhưng tôi có thể đảm nhiệm được việc chăm bò. Tôi không phải đầu tư kinh phí, chỉ cần bỏ công sau này cũng có nguồn thu”.
Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều doanh nghiệp đã triển khai hoạt động hỗ trợ người nghèo. Điển hình như Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương đã mở 20 cơ sở gia công, sản xuất ở các vùng quê, tạo việc làm khá ổn định cho hơn 300 người, chủ yếu thuộc các hộ nghèo, cận nghèo. Bà Nguyễn Thị Dạnh (53 tuổi) đang làm việc trong một cơ sở sản xuất bánh đậu xanh của công ty ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) cho biết: “Tôi bị khuyết tật từ nhỏ, sức yếu không thể làm việc nặng. Trước đây, cuộc sống của 2 mẹ con tôi chỉ dựa vào tiền trợ cấp người tàn tật hằng tháng nên rất khó khăn, lúc nào cũng thuộc diện hộ nghèo. Mấy năm nay nhờ có công việc trong xưởng bánh đậu nên cuộc sống của chúng tôi đã ổn định hơn, không còn là hộ nghèo”.
Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương đang phối hợp với MTTQ tiếp tục mở thêm 15 cơ sở sản xuất tại 11 huyện, thị xã. Dự kiến các cơ sở này sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Long Hải cũng rất quan tâm hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo trong tỉnh. Mới đây, công ty đã hỗ trợ gia đình bà Trần Thị Lên ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) một con bò giống sinh sản. Đối với bà Lên đây thực sự là một nguồn sinh kế đáng quý. Bà năm nay hơn 50 tuổi, chồng bà bị tai biến liệt nửa người không còn khả năng lao động. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Con bò trở thành niềm hy vọng để người phụ nữ nghèo ấy vươn lên…
Rất nhiều người nghèo trong tỉnh đã được hỗ trợ, giúp đỡ ổn định cuộc sống. Theo ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh, 9 tháng qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.440 hộ nghèo, 2.617 hộ cận nghèo và 6.237 hộ mới thoát nghèo vay hơn 524 tỷ đồng phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho 165 hộ nghèo. Tổ chức 35 lớp hướng dẫn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 1.670 người nghèo; đào tạo nghề cho 1.051 lao động thuộc diện hộ nghèo…
PV