Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ lỗi lạc với hai chữ Nhân - Nghĩa

15/05/2010 08:44

Vấn đề con người, vấn đề nhân bản của Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng trong sự thành công của Cách mạng tháng Tám.

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa: Vấn đề con người, vấn đề nhân bản của Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng trong sự thành công của Cách mạng tháng Tám. Hai chữ Nhân - Nghĩa là phẩm chất cao quý nhất tôi nhận thấy trong con người Hồ Chí Minh.

LTS:Sang Mỹ từ năm 16 tuổi, là Giáo sư, Tiến sỹ Vật lý Hạt nhân nhưng Tiến sỹ Lê Văn Hóa đã bảo vệ luận án Thạc sỹ về “Những nét căn bản truyền thống trong cuộc Cách mạng tháng Tám” và luận án Tiến sỹ về “Nền tảng văn hóa Dân tộc trong Tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Giáo sư Lê Văn Hóa hiện đang sinh sống tại bang Illinois của Mỹ.  Ông là một trong 3 Việt kiều tiêu biểu được mời dự cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Việt Nam và tại Paris của Pháp. Ông cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn hấp dẫn cuộc đời mình và muốn dành nhiều thời gian để nghiên cứu.

Minh Hiển, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa.

PV: Thưa Giáo sư! Là người chuyên về vật lý hạt nhân, tại sao ông lại nghiên cứu bảo vệ Luận án Tiến sỹ về Hồ Chí Minh?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa:Hồi còn đi học, tôi thích nhất là lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Năm 1977, tôi có dịp về thăm nước Việt Nam thống nhất, tôi thấy trong bối cảnh xã hội lịch sử, chính trị mới nên tôi muốn học hỏi thêm. Nói về lịch sử cận đại Việt Nam, về Cách mạng tháng Tám, về những cuộc chiến tranh với 2 cường quốc phương Tây, mình phải hiểu thêm về người lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế tôi đã tìm cách nghiên cứu, luận án đó là “Những căn bản truyền thống trong Tư tưởng Cách mạng Hồ Chí Minh”. Tôi nghĩ rằng chưa có ai nghiên cứu về vấn đề nhân bản của Hồ Chí Minh.

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Việt Nam và được cả thế giới công nhận. Vậy phẩm chất nào của Bác Hồ được Giáo sư kính trọng nhất?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ đại tài. Người đã thu thập được tất cả những tinh hoa về chính trị để giải phóng dân tộc mình. Hồ Chí Minh đã nói rằng “vì Chủ nghĩa yêu nước mà tôi đã được đưa đến với Chủ nghĩa Mác-Lê Nin”. Hồ Chí Minh đã phân tích rất rõ ràng bối cảnh xã hội và lịch sử của Việt Nam trong thời kỳ bị Pháp đô hộ để đưa vào một tư tưởng mới làm nòng cốt cho kế hoạch tranh đấu, đưa đến sự thành công của Cách mạng Việt Nam.

Vấn đề con người, vấn đề nhân bản của Hồ Chí Minh là một yếu tố rất quan trọng trong sự thành công của Cách mạng tháng Tám. Điều mà tôi ghi nhận là cao quý nhất trong con người Hồ Chí Minh đó là một vị lãnh đạo lỗi lạc với hai chữ Nhân Nghĩa.

PV: Thưa giáo sư! Ông có thể phân tích rõ hơn về chữ Nhân trong con người Hồ Chí Minh?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa: Đối với tôi sau khi đọc những tác phẩm, những lời viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy cụ Hồ là một nhà nho chân chính, và đã là nhà nho thì người ta hay dùng chữ Nhân là chữ quan trọng nhất, mà từ Nhân có thể sinh ra các đức tính khác.

Từ Nhân mà đi đến chữ Tâm mà tôi hiểu trong cách hành động khi kêu gọi đồng bào tranh đấu, Hồ Chí Minh đã dùng bản sắc con người của mình. Hồ Chí Minh đã thể hiện được sự lãnh đạo tốt tại vì người có Nhân và có Tâm.

Chữ Nhân đưa đến chữ Ái, Hồ Chí Minh cũng đã nói nhiều đến tình thương của đồng bào với nhau. Người đã dùng ca dao, tục ngữ để nhắc nhở đồng bào, nhắc nhở dân tộc phải biết thương yêu nhau, phải biết đoàn kết thì mới có thể cứu nước được.

PV: Ngoài chữ Tài, Bác Hồ lại rất coi trọng chữ Đức ở mỗi con người. Giáo sư có suy nghĩ gì về điều này?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa:Có những ví dụ rất là điển hình trong cuộc đời của Hồ Chí Minh, Người đã chứng tỏ cái Đức của mình để thu phục người khác. Khi ta nhớ lại câu mà Hồ Chủ Tịch nói với người dân trong một cuộc giao lưu “đồng bào thương tôi thì chịu khó nghe lời tôi”, không có một lãnh tụ chính trị nào từ xưa đến nay có một lời nói tình cảm, chân thật từ tim mình đến với đồng bào mình như vậy. Giữa Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam có một sự tin tưởng, gắn bó, đó là Nhân Tâm của Người đối với dân tộc.

PV: Câu nói nào của Chủ tịch Hồ chí Minh mà Giáo sư tâm đắc nhất?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa: Trong hầu hết các trường hợp trong cuộc sống, tôi thấy một câu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói có ý nghĩa sâu rộng nhất, tức là có thể áp dụng trong bất kỳ trường hợp nào là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Độc lập, tự do ở đây không có nghĩa chỉ là về chính trị, chỉ về cuộc sống xã hội. Mình phải có sự độc lập của con người mình, độc lập để chống lại những tật xấu. Chữ độc lập, tự do có nghĩa nội tâm, nghĩa là mình phải có trách nhiệm, sự xét đoán, không đổ lỗi cho ai hết, mình có tự do để chọn lựa chuyện đó. Đó là điều cần thiết nhất đối với vấn đề tu thân.

PV: Giáo sư hưởng ứng như thế nào về Cuộc vận động học tập và làm theo  tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa:Tôi thấy mình không những phải học tập tấm gương sáng của Hồ Chí Minh, mà thông qua việc học tập và làm việc theo tấm gương của Người còn có nghĩa là một sự tiếp tục truyền thống học tập của người Việt Nam. Có những anh hùng, những lãnh đạo có gương sáng, tài ba, có đức độ thì ta phải học để duy trì những công trình mà các bậc tiền bối của chúng ta đã hy sinh để đưa đến một đất nước Việt Nam ngày hôm nay.

PV: Thưa Giáo sư, đâu cách tốt nhất để giáo dục thanh niên Việt Nam học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Giáo sư -Tiến sỹ Lê Văn Hóa:: Tôi thấy ở đây có 2 điều mà mình cần chú ý. Thứ nhất, mình phải giáo dục con em lúc còn trẻ. Tôi rất vui mừng trong những năm gần đây, ở nhiều trường học ở Việt Nam có biểu ngữ “tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây có nghĩa là đạo đức, phải biết kính trên nhường dưới, phải biết hy sinh, phải biết có lòng vị tha, phải biết thương người.

Thứ hai, tôi thấy rằng vấn đề làm gương rất quan trọng. Trong gia đình, cha mẹ phải làm gương cho con cái. Trong xã hội, người trên phải biết làm gương cho người dưới. Trong chính quyền, lãnh đạo cấp trên phải biết làm gương cho cán bộ cấp dưới. Những cái này rất là quan trọng. Ta muốn học tập, nghiên cứu phải biết tự nguyện học hỏi và áp dụng việc học tập của mình cho nghiêm túc. Học phải hành mới có thể noi theo gương đạo đức Hồ Chí Minh được.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

(Theo VOV)
(0) Bình luận
Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ lỗi lạc với hai chữ Nhân - Nghĩa