Do thị trường đầu ra thất thường, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dám tái đàn.
Anh Nguyễn Hữu Dũng ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) vẫn còn hơn 700 con lợn thịt chưa bán được do giá lợn xuống thấp
Chậm tái đànDẫn chúng tôi vào khu vực chuồng trại nuôi lợn thịt, anh Nguyễn Hữu Dũng ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) cho biết trang trại của anh còn 700 con lợn thịt, mỗi con nặng gần 1 tạ. Thương lái đã hỏi mua với giá 38.000 đồng/kg nhưng anh Dũng chưa bán. Nếu bán với giá này, anh vẫn lỗ khoảng 300.000 đồng/con. "Những năm trước, tầm này tôi đang dọn vệ sinh trang trại để chuẩn bị tái đàn mới, nhưng năm nay đã chậm hơn gần 1 tháng. Nguyên nhân do cuối năm ngoái, giá lợn xuống thấp, lợn bán chậm đã ảnh hưởng tới việc tái đàn mới. Hiện tại, giá lợn có nhích lên, nhưng nếu bán thì người chăn nuôi vẫn bị lỗ", anh Dũng cho biết.
Anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) vẫn còn 1 mẫu ao với hơn 3 tấn cá rô phi trọng lượng hơn 1 kg/con chưa thể xuất bán do chưa có thương lái đến mua. Anh Bình cho biết: "Thông thường, trước Tết tôi đã bán hết cá, nhưng năm nay cá rẻ nên tôi định đợi đến ra giêng giá tăng sẽ bán. Không ngờ, sau Tết giá cá rô phi loại to chỉ còn 27.000-28.000 đồng/kg, các loại cá khác cũng chỉ còn 40.000-41.000 đồng/kg, mỗi loại giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với trước Tết. Do chưa bán được cá, nên chi phí thức ăn cho cá đội lên 30 triệu đồng nữa". Theo anh Bình, cá trên 1 kg còn có thương lái hỏi mua, loại cá nhỏ hơn không bán được. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi hầu như không còn vốn để đầu tư tái sản xuất.
Nhiều hộ nuôi gia cầm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà Bùi Thị Tuyết ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) cũng chưa dám tái đàn vịt mới. Cuối năm 2016, bà bán 1.000 con vịt, bị lỗ 20 triệu đồng nên giờ vẫn chưa dám nhập đàn mới. "Nhà tôi nuôi vịt gần chục năm nay, nhưng chưa năm nào lại rơi vào cảnh bi đát như vừa rồi. Bây giờ, muốn nhập đàn mới lại phải đợi vay vốn ngân hàng, nhưng tiền nợ ngân hàng đợt trước còn chưa trả hết", bà Tuyết lo lắng.
Thận trọng Trong khi nhiều hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn thì ông Đào Văn Nho ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (Gia Lộc) vẫn chuẩn bị đầu tư mở rộng chuồng trại. Cuối năm 2016, giá lợn xuống thấp nhưng trại lợn của ông không bị ảnh hưởng nhiều do đã đoán trước được tình hình. Năm nay, ăn Tết xong ông vệ sinh chuồng trại ngay để chuẩn bị nhập đàn mới. Do tự chủ được nguồn lợn giống nên ông không phải nhập giống từ bên ngoài. Hiện tại, ông đã thả hơn 100 con lợn, lấp kín các ô chuồng nuôi. "Giá lợn đang nhích dần lên, đây là tín hiệu vui cho người nuôi lợn. Tuy nhiên, theo tôi năm nay giá lợn sẽ không tăng cao như những năm trước nên người chăn nuôi cần thận trọng khi đầu tư, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do phải nhập lợn giống với giá cao, các chi phí đầu tư cao hơn so với các trang trại lớn", ông Nho nói.
Theo Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay còn khoảng 10% lợn thịt đạt trọng lượng xuất bán bị tồn đọng tại các cơ sở chăn nuôi. Nguyên nhân do giá lợn xuống thấp nên các hộ chăn nuôi chậm xuất chuồng. Tính đến hết tháng 1, tổng đàn lợn của toàn tỉnh đạt 643.100 con, đàn gia cầm đạt gần 11 triệu con.
Theo bà Phạm Thị Đào, Trưởng Phòng Chăn nuôi, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý ngại tái đàn do đầu ra bấp bênh. Để có phương án tái đàn phù hợp, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên tìm hiểu thị trường, không nên tái đàn ồ ạt; chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương cần tăng cường rà soát các vùng chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ. Đa dạng các phương thức chăn nuôi, cần chú trọng nuôi theo hình thức bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ. Tỉnh cũng sẽ có cơ chế tích cực để hỗ trợ các hộ chăn nuôi giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi.
TRẦN HIỀN