Hình bóng miền quê

17/11/2019 13:49

Lúc nào, những cơn mưa miền quê cũng xôn xao trong trí nhớ tôi về khung cửa sổ mở ra cánh đồng mênh mang với những chiều thật buồn, mà đẹp.



Tốt nghiệp, tôi xin về một vùng quê. Có thể cảnh phố xá quá bụi bặm khiến tôi nhàm chán hay tôi muốn xa vì một lý do nào khác, tôi không biết nữa. Tôi chỉ biết lòng tôi luôn mong về quê để được gần gũi với những gì mộc mạc chất phác của người nông dân.

Người đàn ông tôi gặp khi về trường mới là Minh. Tôi quen và thân với anh. Sau này anh hay nói với tôi về cái lần gặp nhau đầu tiên ấy: “Nhìn cái dáng vẻ ngơ ngác của Vân lúc ấy thật buồn cười. Cứ như là yếu đuối lắm, nào ngờ mạnh mẽ quá”. Anh nói như thể khi nhìn tôi mới đặt chân tới đây tôi là con nai, còn khi quen rồi tôi hóa sư tử. Thực ra Minh chỉ đùa, anh hiền lành, sẽ chẳng bao giờ soi mói ai.

Ngôi trường nằm cạnh đường cái, sát với cánh đồng, cách đó chừng hai ba trăm mét có cái chợ con họp cả ngày. Tôi thường cùng lũ bạn ra đây mua thức ăn và những thứ cần thiết về dùng. Thời gian sau, vườn trường bỏ không được dọn dẹp và chia cho giáo viên mỗi người một ít để trồng rau, cải thiện bữa ăn. Bữa ăn miền quê chỉ có rau cà, tôm tép. Sang hơn thì vài lạng thịt ba chỉ kho mặn ăn dè. Ấy vậy tôi vẫn thấy yên tâm và không hối hận về sự lựa chọn được cho là quái gở của mình.

Xa thị xã được một tháng, tôi đã cảm thấy nhớ nôn nao, dù ở quê tôi đã quen và thích nghi với môi trường dân dã, với không gian nhà thờ uy nghi và cạnh đó có vườn mẫu đơn thật đẹp. Thi thoảng tôi bắt xe khách trở về nhà cho đỡ nhớ. Bố mẹ bảo con quay về thị xã vẫn còn kịp. Bố mẹ vẫn có thể lo cho con một chỗ dạy tốt. Tôi xin bố mẹ chấp nhận quyết định của mình.

Sáng thứ hai tôi trở lại trường tiếp tục công việc. Rồi thành lệ, tôi thường về thị xã vào chiều thứ bảy và rồi quay lại trường vào sáng thứ hai. Những chuyến xe khách nội tỉnh cũ kỹ đã quá quen thuộc với chúng tôi. Những cô gái chưa chồng sống với nhau quây quần, tha hồ bay bổng, nghịch ngợm. Ở trường, chẳng bao lâu tôi đã hòa nhịp được với mọi người, với cuộc sống nơi đây. Ngoài thời gian giảng dạy, thời gian rảnh rỗi thì mênh mông quá. Chẳng có gì để giải trí, thế là túm tụm chuyện trò về tình yêu lứa đôi. Hoặc lần mò cái gì đó, chui vào bếp cùng nấu nướng ăn ngấu nghiến. Khi thì nồi khoai, lúc khác lại là bắp ngô, mẻ lạc… Ôi cái chuyện yêu đương nghe thật buồn cười mà xa lắc xa lơ.

Không ai hỏi được tôi về người đàn ông trong đời mình, anh ta như thế nào. Không hiểu sao trong chuyện này tôi muốn mình im lặng, chẳng nói gì cả. Và thế là tôi thích được ở một mình mỗi khi bạn bè chuyển sang nói về đề tài ấy. Tôi thường tìm cho mình một căn phòng trống vào buổi chiều không có tiết dạy, thả mình vào đó. Tôi tha hồ tự do mông lung, làm gì cũng được. Tôi có thể đọc sách hoặc ghi nhật ký. Tiếng ếch nhái pha lẫn tiếng còi tàu từ xa vọng lại, buồn đến nao lòng. Thi thoảng, ngồi nghe mưa dai dẳng, tôi lại bồi hồi nhớ về thị xã. Nhìn từng chiếc xe qua lại, ngỡ như ai đó đứng ngoài kia chờ mình. Tôi nhớ lại những tán cây xanh xanh trong công viên ngoài thị xã. Nhớ những đôi trai gái ngồi trên ghế đá tình tứ. Nhớ lũ bạn thơm phức mùi nước hoa, son phấn và diện những chiếc váy đủ kiểu lượn lờ, hò hẹn với người yêu. Lắm lúc tôi muốn bỏ học trò, bỏ trường, bỏ sự yên tĩnh miền quê để về lại với cái ồn ào, tấp nập nơi phố phường thị xã.

Minh hỏi tôi: “Vân nhớ thị xã lắm hay trên đó có gì vui mà tuần nào cũng về?”. Tôi hỏi lại: “Thế anh không nhớ quê, nhớ bố mẹ hay sao mà tuần nào cũng ở lại?”. Anh Minh cười: “Em cứ thử ở lại một tuần đi, anh sẽ đưa em và học trò đi bắt ốc, mò cua cho biết? Rồi chúng ta còn có thể đến giáo đường, sắp Giáng sinh rồi đấy”. Tôi cười khùng khục: “Cái anh này, ai lại thế!”. “Có sao nào, ốc là món khoái khẩu của nhiều người đấy”. Tôi hứa nhưng chưa thực hiện được lần nào. Những đêm mưa xuống, tôi nằm nghe lồng ngực phập phồng, lại nhớ về tiếng còi tàu xe hơi thị xã. Những âm thanh náo động làm rung cả ngôi nhà, rung cả tâm hồn cô giáo trẻ.

Bọn bạn gái thi thoảng lại đòi tôi kể chuyện tiếu lâm. Chúng khen tôi kể chuyện tiếu lâm hay. Có lần Minh hỏi: “Sao trông Vân lúc nào cũng có vẻ mặt buồn buồn?”. “Em đâu có buồn? Tại anh làm một đứa con gái buồn thì có. Bao nhiêu lần Trang hẹn anh có đến đâu. Nó lo cho anh đủ thứ anh có biết không?”. Minh gật đầu rồi lại lắc đầu: “Nhưng người anh yêu không phải là Trang”. Tôi nhướn mày: “Vậy là ai?”. Anh nhìn tôi không nói. 

Mùa mưa năm nay đến sớm. Trường nằm cạnh cánh đồng, gió thổi tứ phía. Những cơn mưa to đổ bộ về mù mịt, che khuất cả mấy ngọn núi trước mặt. Thứ bảy này tôi không về phố vì mưa quá to, cả bọn chẳng đứa nào về, cơm nước xong ai nấy leo lên giường. Tôi nằm thiếp đi lúc nào không biết, nửa đêm nghe tiếng còi tàu từ xa vọng lại, buồn thê lương. Tôi tỉnh dậy, yên ắng nghe, mưa đã tạnh từ lâu.

Mười giờ, nếu ở thị xã giờ này chắc vẫn tấp nập lắm. Bọn con gái tuổi tôi có lẽ vẫn đang ngồi quán cà phê với người yêu nghe nhạc. Tôi trở dậy thắp ngọn đèn, giở xấp bài tập của học trò. Sáng thứ hai phải trả bài mà chấm mãi không xong. Học trò làm bài tuy được nhưng nhiều lỗi chính tả quá, sửa đỏ cả giấy. Cái Trang bảo cứ chấm nội dung thôi là được, cần gì phải tốn công sức. Nhưng tôi không chịu được, thế là cắm cúi sửa lỗi chính tả. Anh Minh lại rủ nếu mai không mưa thì đi chơi với tụi học trò. Tôi chưa dám chắc nhận lời, anh bảo: “Không nên sống khép kín quá, chẳng đúng với tuổi của mình. Anh thấy dường như có điều gì đó khiến em trầm mặc”.

Đang miên man nghĩ đến Minh, chợt anh nhẹ nhàng đến ngồi bên cạnh, dịu dàng: “Em không ngủ được à, Vân?". Tôi hơi bất ngờ trước giọng âu yếm của anh, nói: “Em mới ngủ dậy”. Minh cười: “Hai đứa mình giống nhau quá, anh cũng vừa ngủ dậy”. Anh lại hỏi: “Em có tâm sự gì à?”. Tôi lắc đầu, nhìn vào bài làm của học trò mà chẳng hiểu gì.

Tối nay anh Minh có vẻ lạ hơn ngày thường. Tự nhiên tôi thấy sờ sợ. Ngọn đèn không đủ sáng soi cho những gì xung quanh, bóng Minh cao lồng lộng. Anh ngồi lại gần tôi hơn. Tôi giật mình. Anh đưa tay nắm lấy bàn tay run rẩy của tôi. Không dám nhìn anh, tôi cố rút bàn tay về mình nhưng anh giữ chặt lấy bằng bàn tay to khỏe của mình.

- Có chuyện gì vậy anh? Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên giọng run run. Anh nhìn tôi thật lâu. “Em không hiểu gì ư?”. Tôi lắc đầu. Anh Minh đâu phải là người tôi chờ đợi. Người đàn ông để tôi chờ đợi và hy vọng đã bỏ đi cùng người con gái khác. Tôi đến nơi này giống như là để chạy trốn vì quá cay đắng. Lúc ấy, tôi đâm ghét phố xá, ghét những lời hứa thoảng như gió. Thành của tôi trước đây cũng nắm tay tôi thế này. Tình yêu thời sinh viên trong sáng như lời hứa hẹn chân thành. “Bao giờ em ra trường, chúng ta sẽ làm đám cưới”. Vậy mà chỉ sau lễ tốt nghiệp của tôi vài ngày, tôi nhận được thiệp mời của Thành cùng lời xin lỗi gọn lỏn. Người Thành cưới là con một nhà buôn giàu có. Tôi mang theo mối tình đầu buồn bã bước vào đời, chẳng ai biết tôi mang trong mình nỗi buồn như thế...

Tôi cố gắng rút tay ra nhưng Minh vẫn bướng bỉnh giữ chặt lấy. Và anh nói về tình cảm của anh. Anh bày tỏ mà không biết tôi đang nghĩ gì. Ngày tôi mới về đây, Minh là người giúp đỡ tôi đủ thứ, cả việc bổ củi, gánh nước hay đưa tôi đi dạy thêm dưới thôn. Ngày trước Thành đối với tôi cũng như thế, anh đưa tôi đi học, đón tôi về. Bất cứ lúc nào Thành cũng lo lắng cho tôi.

“Anh Minh, đừng làm thế!”. “Chẳng lẽ em chê anh sao?". “Không, anh đừng nói nữa”. “Vân, nhưng anh yêu em”. Minh chợt quàng tay lên vai tôi, nghe bên vai mình ấm lại rồi anh cúi xuống hôn tôi.

Trước đây bên Thành, tôi chờ đợi nụ hôn của anh. Ba năm rưỡi yêu nhau, chỉ dám nắm tay nhau nhẹ nhàng. Tôi đã chờ đợi để hiến dâng nhưng anh gìn giữ và nâng niu. Tôi từng mơ đi bên anh, áo dài, hoa trắng cài đầu. Rồi điều đó chỉ là giấc mơ, và Thành cũng ra đi như một giấc mơ. Giờ tỉnh táo ngồi bên Minh mà chẳng có cảm giác gì. Tôi cứ để thế cho Minh thỏa mãn. Tôi mở to mắt nhìn anh hôn tôi rồi tôi bật khóc. Nụ hôn đầu có nước mắt, đắng ngắt, không phải vì tôi xúc động, tôi vẫn ý thức được rằng mình không yêu Minh.

Minh vừa lau nước mắt cho tôi vừa bảo: “Em hãy nói đi, đừng im lặng thế”. Tôi vẫn không nói gì, anh kiên nhẫn ngồi đợi, tay anh nhẹ nhàng nắm từng ngón tay tôi. Tôi kịp bình tĩnh rụt tay lại: “Anh Minh, anh hãy đi đi”. “Em làm sao thế?”. “Không sao cả, em chỉ muốn mình được ở lại đây một mình”. “Được, ngày mai bình tĩnh lại chúng ta sẽ nói chuyện, em nên đi ngủ sớm”.

Sau đêm đó, tôi không bao giờ dám gặp Minh khi chỉ có một mình. Thi thoảng tôi gặp ánh mắt dữ dội của anh. Không biết anh đang giận tôi đến mức nào. Chiều thứ bảy, dù trời mưa to hay nắng lớn, sau tiết dạy cuối tôi vội vàng bắt xe về thị xã. Minh có vẻ bực bội, còn tôi thấy có lỗi và khó nghĩ. Nhưng như thế để cho anh biết một điều là tôi không yêu anh.

Một đêm mưa, khi tôi đang lấy chậu hứng vào chỗ nước dột trong nhà thì Minh đến. “Sao Vân cứ tránh mặt anh vậy?”. Tôi không dám quay lại, hai tay cứ nắm chặt lấy cái miệng chậu. “Anh Minh, anh lấy ghế ngồi đi, Trang sắp về rồi đấy”. “Mưa to thế này Trang chưa về đâu, mà sao em phải sợ? Dù sao anh cũng yêu em cơ mà”. Anh chậm rãi thế, tôi quay đi. Không, câu nói ấy tôi không đợi ở Minh. Tôi đã đợi ở Thành suốt mấy năm mà anh không nói. Minh chỉ là người đã hôn tôi nụ hôn đầu tiên chứ không có những kỷ niệm đẹp như Thành. Cuộc sống xô bồ, từ ngày chia tay, tôi không gặp Thành lần nào, nghe nói anh đã thôi dạy học và đã làm một nhà buôn, đi đây, đi đó. Không biết có khi nào anh nhớ đến tôi không? Còn Minh sau năm học đó anh cũng xin chuyển công tác đến một trường khác. Thỉnh thoảng có gặp nhau và chào hỏi nhau qua quýt. Hai người đàn ông đó ai nhớ đến tôi?

Hai năm sau tôi lập gia đình, tình yêu bất ngờ nhưng êm đềm chứ không làm tôi điêu đứng như xưa. Tôi sống bình yên bên người chồng khoáng đạt, bản lĩnh che chở cho tôi trong cuộc sống ngày thường. Đôi lúc tôi nghĩ về Thành và Minh, để nhớ đến kỷ niệm một thời.

Giờ những chiều mưa tôi hay ngồi bên cửa sổ một mình, miên man nhớ về những kỷ niệm xưa cũ khi chia tay người yêu. Tôi đã chạy trốn, bỏ đi mà chẳng dám nói với ai về nỗi khổ của mình. Lúc nào, những cơn mưa miền quê cũng xôn xao trong trí nhớ tôi về khung cửa sổ mở ra cánh đồng mênh mang với những chiều thật buồn, mà đẹp.

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình bóng miền quê