Hình ảnh con chó trong văn hóa dân gian

19/02/2018 11:00

Hình ảnh con chó rất gần gũi với con người từ bao đời nay, nó đi vào mọi mặt đời sống một cách tự nhiên.

Mượn hình ảnh con chó, dân gian có nhiều cách ví von, khi thì nhẹ nhàng, có lúc lại thâm thúy, sâu cay.

Từ xa xưa, con chó đã đi vào đời sống văn hóa của con người. Trước hết là hình ảnh con chó trong đời sống tâm linh. Người xưa lấy 12 con giáp trong 12 địa chi ghép với 10 thiên can để ứng với từng năm âm lịch. Trong 12 con giáp có con chó, ở thứ 11 (tí, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi). 2018 là năm Mậu Tuất. Từ đó người ta đoán định về làm ăn, về tính nết, về hôn nhân của con người. Ngày xưa, hầu hết tại các gia đình, đền, miếu, chùa... đều có tượng con chó tạc bằng đá xanh, tư thế ngồi được đặt ở cổng với ý nghĩa là vật linh thiêng để bảo vệ cho gia đình hoặc chùa, miếu... Lại có nơi trong miếu chỉ thờ một tượng chó ngồi bằng đá.

Từ con chó thật, dân gian nâng chó thành vật thiêng, đủ biết dân ta quý con chó như thế nào. Ngày nay một số người đã sưu tầm được hàng trăm tượng chó đá.

Đặc biệt, trong thơ ca, câu đố, tục ngữ, thành ngữ của dân gian có rất nhiều câu nói đến con chó. Tuy nhiên, câu mô tả hình thể tính nết con chó thì chỉ có vài câu: “Mồm chó vó ngựa” hoặc “Khuyển mã chi tình”. Còn lại đều mượn con chó để nói về con người.  Phê phán những kẻ không biết thương người, đang tâm làm hại người cùng cảnh ngộ, người ta nói “Chó gặm xương chó”. Trong thực tế, rất ít con chó gặm xương chó do con người bỏ ra. Có lẽ do mùi vị thế nào đấy mà chúng không ăn. Họa hoằn mới có con chó dám gặm xương đồng loại. Từ quan sát thực tế ấy dân ta mượn câu thành ngữ trên để chỉ loại người chẳng ra gì, không biết thương người cùng cảnh.

Ở đời không thiếu gì những người thích khoe mẽ. Thực tế mình rất kém cỏi nhưng lại khoa trương với thiên hạ, lập tức bị dân gian nói kháy: “Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi”. Ai đã trông con chó bị ghẻ? Nó gầy, lông lá tuột sạch, mụn mọc lở loét, thân hình giơ xương thì làm sao có mỡ huống hồ lại mỡ ở đuôi. Đó là sự vô lý không thể nào xảy ra. Loại người ấy, dân gian còn gọi là “dở” và được ví “chó dở có mùa, người dở quanh năm”. Chữ “dở” ở đây được hiểu rất linh hoạt. Dở là dở hơi, là ngộ, là điên dại. Con chó thường phát ngộ (nay gọi là bệnh dại) vào mùa hè thôi vì trời quá nóng. Vậy là một năm có bốn mùa thì chó dở có một mùa, còn người thì dở hơi cả bốn mùa, dở hơi quanh năm. Nếu nói bằng toán học thì người ấy dở gấp bốn lần chó. Nghĩ cũng thâm thúy đấy chứ.

Trong lao động hay sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng, có người xấu tính hay trốn lủi, để việc cho người khác làm. Dân gian có câu “trốn như chó cái trốn con”. Ở câu này nghĩa đen cũng rất chuẩn. Khi lũ chó con đã lớn, chúng bú rất mạnh. Vì thế con chó mẹ thường phải trốn để lũ con khỏi quấy.

Những người nào lao động tỏ ra vụng về khiến người khác ngứa mắt thì bị giễu là loại “Bọ chó múa bấc”. Việc làm mộc thường đòi hỏi số đo phải chính xác ở từng bộ phận. Anh thợ vụng hay bị nhầm lẫn nên khi lắp ráp không ăn khớp, lập tức bị ông thợ cả giễu là để “Chó liếm mất mực”...

Không chỉ mượn con chó để nói về các việc ở đời, dân gian còn mượn con chó để nói về thời tiết. Đó là những câu tục ngữ ghi lại kinh nghiệm hoặc hiện thực nào đó. Chẳng hạn: “Nắng tháng ba chó già lè lưỡi”. Nắng tháng ba là cái nắng mới rất oi nồng khiến rất nhiều con chó, nhất là chó già cứ ngồi lè dài lưỡi ra mà thở.

Trong nghệ thuật ẩm thực, dân gian đúc kết thành công thức: “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Thịt chó mà thiếu riềng thì không thành vị thịt chó. Trong bữa thịt chó thì món dồi chó được cho là tuyệt vời. Dồi chó đúng cách, đủ gia vị, luộc lên rồi để ráo nước, đem quấn vào ống tre, phết mỡ lên mà nướng ở bếp than củi thì thơm khắp làng, ngửi đã thèm rồi. Vì thế dân ta mới có câu: “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ chẳng có thì thôi". Ngon là thế nhưng dăm ngày đầu tháng đố ai tìm được cửa hàng nào bán thịt chó. Người ta kiêng đấy, sợ ăn thịt chó đầu tháng thì xúi quẩy.

Năm Mậu Tuất đã đến, cầu mong cho mọi người bình an, may mắn, không ai rơi vào cảnh “Chó cắn áo rách” cả.

VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình ảnh con chó trong văn hóa dân gian