Hiệu quả sau sáp nhập Trung tâm Y tế tuyến huyện

04/06/2019 18:34

12 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thành phố đã đi vào hoạt động từ ngày 1.9.2018 trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Dân số-KHHGĐ tuyến huyện.

Trung tâm Y tế huyện Nam Sách đã bố trí, sắp xếp các cán bộ khoa phòng hợp lý để phát huy khả năng chuyên môn

Sau một thời gian, các TTYT tuyến huyện đã cho thấy những hiệu quả bước đầu của việc sáp nhập.

Thống nhất công tác dự phòng, điều trị

Việc sáp nhập đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành một cách thống nhất. Trước đây, khi triển khai thực hiện các công tác như: phòng chống dịch bệnh, chương trình y tế… các đơn vị phải ký kết hợp đồng trách nhiệm với nhau, nhưng nay chỉ tập trung một đầu mối. TTYT chủ động, linh hoạt trong điều động nhân viên khi cần thiết, ưu tiên cho hoạt động khám chữa bệnh hoặc dự phòng tùy từng thời điểm nhất định. 

TTYT huyện Kinh Môn thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nhị Chiểu, TTYT và Trung tâm Dân số-KHHGĐ. Sau sáp nhập, trung tâm có 1 giám đốc và 7 phó giám đốc (giảm 3 giám đốc và 1 phó giám đốc). Theo ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc TTYT huyện Kinh Môn, trước đây khi có chương trình phối hợp, các đơn vị thường mất thời gian soạn thảo công văn, giấy tờ, tài liệu liên quan, tổ chức cuộc họp để xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên. Hiện nay, khi triển khai một chương trình nào đó, ban lãnh đạo chỉ cần họp triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. 

Trước đây, khi tổ chức một buổi tiêm chủng mở rộng ở cơ sở, TTYT huyện Bình Giang phải phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện để đề nghị thành lập bộ phận ứng trực, cấp cứu và xử lý tình huống khi xảy ra trường hợp phản ứng nặng hay sốc phản vệ sau tiêm. Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm đến khám, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện, bệnh viện phải thông tin với TTYT để phối hợp với địa phương nơi bệnh nhân sinh sống và các xã, thị trấn khác có các phương án theo dõi, giám sát không để bệnh lan rộng. Việc thông tin, phối hợp có lúc còn chưa kịp thời, chưa chặt chẽ. Sau khi sáp nhập về một đầu mối, tất cả thông tin này đều được nêu rõ trong cuộc họp giao ban, tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, điều hành thuận lợi, bám sát tình hình. Điển hình là việc khống chế nhanh dịch sởi ở khu dân cư số 5, thị trấn Kẻ Sặt và thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, không để lây lan ra diện rộng hồi tháng 2.2019.

Chủ động bố trí nhân lực, thiết bị

Việc sáp nhập tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Bình Giang khám bệnh cho người dân

Nguồn nhân lực dôi dư tại các khoa, phòng của đơn vị trước khi sáp nhập được bố trí làm việc ở các khoa, phòng tương ứng của TTYT mới thành lập. Do đó, hạn chế bổ sung biên chế, nhân lực mới mà vẫn quản lý, hoạt động tốt. Khi có dịch bệnh, bộ phận điều trị cũng có thể tham gia ở cộng đồng và ngược lại các y sĩ, bác sĩ của hệ dự phòng có thể tham gia khám bệnh. Sự luân phiên của bác sĩ tuyến xã với TTYT huyện và ngược lại góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế xã. 

Khi sáp nhập, TTYT huyện Nam Sách đã đánh giá lại đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, tổ chức sắp xếp, hợp nhất các khoa, phòng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Số khoa, phòng của trung tâm giảm từ 24 xuống còn 16. Một số bác sĩ được điều động, tăng cường cho những nơi thiếu bác sĩ, nhất là khối điều trị. Trước đây, bác sĩ Trần Ngọc Đông làm công tác dự phòng tại TTYT huyện Nam Sách (cũ). Sau sáp nhập, anh được điều chuyển làm việc tại phòng khám tai-mũi-họng thuộc Liên chuyên khoa, đồng thời giữ chức Phó Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính-Điều dưỡng của TTYT huyện Nam Sách mới thành lập.  Bác sĩ Đông cho biết: "Khi mới nghe quyết định chuyển công tác, tôi cũng khá lo lắng vì công việc của tôi vốn gắn liền với các hoạt động dự phòng. Với môi trường làm việc mới, tôi phải tích cực trau dồi kiến thức, học hỏi từ đồng nghiệp. Giờ đây, tôi đã cảm thấy quen với công việc mới dù vất vả, bận rộn hơn so với trước kia".

Theo Sở Y tế, sau khi sáp nhập, bộ máy y tế tuyến huyện đã tinh gọn, từ 37 đơn vị đầu mối giảm xuống còn 12; số phòng chức năng giảm từ 71 xuống còn 36 phòng, số khoa chuyên môn từ 187 giảm còn 147 khoa. Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường khẳng định việc sáp nhập, thành lập các TTYT tuyến huyện đã góp phần tăng thêm nguồn lực cho các đơn vị, trang thiết bị y tế được sử dụng hiệu quả hơn.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả sau sáp nhập Trung tâm Y tế tuyến huyện