Hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa

17/06/2015 09:37

Từ việc công khai, minh bạch trong cách làm cộng với làm tốt công tác tuyên truyền nên việc dồn điền đổi thửa ở Nam Hồng gặp nhiều thuận lợi...



Nông dân xã Nam Hồng thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Những ngày này, người dân xã Nam Hồng (Nam Sách) đang khẩn trương kết thúc thu hoạch lúa chiêm xuân. Năm nay, trên các cánh đồng của xã, người dân gặt thủ công giảm nhiều so với mọi năm, thay vào đó là những chiếc máy gặt đập liên hợp. Việc đi lại, vận chuyển thóc của nhân dân cũng dễ dàng hơn. Đây là hiệu quả thiết thực sau dồn điền, đổi thửa.

Giảm chi phí, thời gian

Anh Bùi Văn Tung, chủ máy gặt vừa thu hoạch xong cho một gia đình ở khu đồng Mả Cả cho biết: “Khi chưa dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) bà con vất vả lắm. Sau DĐĐT, máy gặt của tôi làm thuận tiện hơn nhiều. Cứ 2 lô lại có 1 con đường to, máy vào tận ruộng. Ruộng ở giữa lô tôi vẫn cho máy vào gặt được, trước thì phải gặt lần lượt từ ngoài vào vì không có đường đi. Nay ruộng to lại ít bờ nên gặt nhanh hơn. Trước đây, mỗi giờ chiếc máy này chỉ gặt được 3 sào nên tôi phải lấy công 160.000 đồng/sào. Bây giờ năng suất cao hơn, từ 5 - 6 sào/giờ nên bà con chỉ phải trả công gặt mỗi sào 130.000 đồng”.

Đi xe máy xuống tận ruộng, nhanh nhẹn bê từng bao thóc lên xe để chở về nhà, ông Lê Đình Thuyên phấn khởi: “Mọi năm, chúng tôi phải chi phí khoảng 300.000 đồng/sào mới đưa được thóc về nhà, gồm 200.000 đồng thuê người gặt, từ 50.000 - 70.000 đồng/sào thuê vận chuyển, thuê máy tuốt 60.000 đồng/sào. Vụ này, chúng tôi giảm được 50% chi phí, chỉ còn khoảng 150.000/sào cả công vận chuyển, vì máy gặt xuống tận ruộng, chỉ mang thóc về rất gọn nhẹ mà nhàn hơn trước”.

Gia đình bà Bùi Thị Tám có 7 sào ruộng. Mọi năm nhà bà phải đi làm đồng, chăm sóc lúa rất mất công vì có tới 6 mảnh ruộng nằm rải rác khắp các khu đồng. Sau khi DĐĐT, khu ruộng của gia đình bà đã tập trung lại còn có 3 thửa. Mảnh nào cũng gần đường to, dễ đi lại. Nếu như trước đây, phun thuốc trừ sâu cho 7 sào ruộng mất cả buổi chiều thì giờ đây chỉ cần hơn 1 giờ. “Phấn khởi lắm, công chăm bón giảm nhiều, phát bờ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu rất thuận tiện... tiết kiệm chi phí, thời gian mà hiệu quả lại cao”, bà Tám nói.

Triển khai dân chủ, minh bạch

Ông Trần Ngọc Đền, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hai thôn Đồn Bối và thôn Đụn với diện tích gần 130 ha đã hoàn thành DĐĐT trước khi gieo cấy vụ chiêm xuân 2015. Hiệu quả đã thấy rõ ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên là giảm được chi phí đầu tư sản xuất, đưa máy móc vào làm thuận tiện. Hiện toàn xã có 8 máy gặt, khoảng 10 máy cày. Việc cơ giới hóa nông nghiệp đã giảm được công chăm bón, năng suất tăng, ước đạt 65 tạ/ha, cao hơn năm trước và hơn mức bình quân của huyện. Nhân dân rất phấn khởi”.

Có được thành quả như ngày hôm nay, xã đã phải trải qua giai đoạn rất khó khăn trong việc vận động bà con thực hiện chủ trương DĐĐT. Đó là tình trạng ruộng đất manh mún, đan xen giữa các thôn, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của bà con đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm nên rất khó thay đổi. Trước DĐĐT, một số gia đình có chân ruộng tốt, có ruộng nằm trong khu dự án quy hoạch không muốn "rũ ra" bốc lại. Với tâm lý sợ bốc phải ruộng xấu, ruộng xa và tâm lý chờ đền bù đã khiến cho nhiều người dân không đồng tình với chủ trương DĐĐT. Vì vậy, cái khó nhất là làm sao để dân hiểu được lợi ích cũng như hoàn toàn tin tưởng vào cách làm dân chủ, minh bạch và công bằng của xã.

Để DĐĐT thành công, xã đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền vận động. Từ chủ trương, chính sách đến cách làm được xã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Xã huy động các lực lượng, tổ chức đoàn thể như MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... tập trung tuyên truyền, giải thích, vận động hội viên, đoàn viên cùng bà con thực hiện DĐĐT. Hàng chục cuộc họp của ban chỉ đạo, của các tiểu ban được triển khai với sự góp ý chân thành của các cá nhân nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất. Sau đó, ban chỉ đạo cùng với lãnh đạo xã tổ chức họp với các thôn. Tại cuộc họp, những điểm nào người dân chưa thấu hiểu, chưa đồng ý, ban chỉ đạo sẵn sàng đối thoại trực tiếp, mổ xẻ các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất. Có thôn phải tổ chức họp bàn tới 6 lần. Trên cơ sở phát huy dân chủ, công khai minh bạch, lắng nghe tiếng nói, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, cuối cùng đại đa số người dân Nam Hồng đã đồng lòng, thống nhất DĐĐT.

Bà Bùi Thị Tám cho biết thêm: “Ban đầu tôi thực sự chưa tin, chưa đồng tình với chủ trương DĐĐT của xã. Khi đó, ruộng của gia đình tôi ở gần đường, đi lại thuận tiện, tôi sợ khi chia lại không bốc được mảnh ruộng như thế. Mặt khác, người dân chúng tôi cũng còn băn khoăn liệu có công bằng, minh bạch không hay những nơi ruộng tốt, ruộng đẹp lại rơi vào tay một số người nào đó. Không những thế, sau khi DĐĐT, những bờ lô, bờ thửa dôi ra sẽ về đâu. Nhưng qua nhiều cuộc họp, được lãnh đạo xã giải thích rõ ràng, bây giờ tôi đã hiểu được hiệu quả của nó, tôi mừng lắm. Đúng là làm việc gì cũng cần có sự quyết tâm cao. Tôi cũng mong mỗi người dân hãy có trách nhiệm với tập thể, đừng vì lợi ích cá nhân mà làm hỏng chủ trương lớn”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách nhận xét: “Không đăng ký làm điểm nhưng Nam Hồng là 1 trong 2 xã của huyện triển khai tốt nhất và đang hoàn thành việc DĐĐT. Trước đây, bình quân mỗi hộ có tới 6 thửa thì nay chỉ còn 1,7 thửa với diện tích thửa lớn khoảng 3.000 m2 , thửa nhỏ khoảng 500 m2 ".

Từ chủ trương đúng đắn cộng với cách làm công khai, minh bạch, người dân Nam Hồng không những đồng tình ủng hộ mà còn tự nguyện hiến 48 m2 đất/khẩu để chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ, đường. Đến nay, Nam Hồng chỉ còn 1 thôn Hóp đang DĐĐT khoảng 90 ha và phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 6 này. Đây là một trong những việc làm quan trọng để đưa Nam Hồng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm nay.

LÊ HƯƠNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa