Hiệu quả nhờ công nghệ luyện than cốc siêu sạch

24/02/2011 06:04

Việc ứng dụng công nghệ sản xuất than cốc kết hợp với sản xuất nhiệt điện từ nguồn nhiệt dư, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã giải quyết tốt việc bảo vệ môi trường và tận dụng các nguồn năng lượng dôi dư...


Hệ thống sản xuất điện từ nguồn nhiệt dư tận dụng trong quá trình luyện than cốc
 ở Công ty CP Năng lượng Hòa Phát. Ảnh: Thành Chung


Công ty CP Năng lượng Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) được thành lập từ tháng 8 - 2007, chuyên sản xuất than cốc và nhiệt điện phục vụ khu liên hợp (KLH) gang thép Hòa Phát.

Ông Đỗ Hồng Ánh, Phó giám đốc công ty cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất than cốc theo công nghệ siêu sạch duy nhất tại Việt Nam. Nếu trước đây đa số nhà máy luyện kim của nước ta ít quan tâm đến bảo vệ môi trường và  tận dụng các nguồn năng lượng dôi dư thì với việc ứng dụng công nghệ sản xuất than cốc từ than mỡ và than gầy kết hợp với sản xuất nhiệt điện từ nguồn nhiệt dư, chúng tôi đã giải quyết khá tốt vấn đề này”.

Tháng 12 - 2009, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã xuất khẩu lô hàng than cốc đầu tiên sang Hà Lan với giá trị hợp đồng 6 triệu USD. Tiếp theo đơn hàng này, năm 2010, công ty đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu KLH, bởi nhu cầu than cốc trên thị trường rất lớn. Hiện nay, Nhà máy Sản xuất than cốc Hòa Phát (sử dụng 80% nguyên liệu là than mỡ nhập khẩu từ Úc) đã đầu tư xong giai đoạn I với công suất 350 nghìn tấn/năm, đang đầu tư giai đoạn II cũng với công suất 350 nghìn tấn/năm, nâng tổng công suất lên 700 nghìn tấn/năm. 50% lượng than cốc sản xuất ra được sử dụng làm nguyên liệu cho KLH, phần còn lại xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Sản phẩm than cốc của Hòa Phát sản xuất ra đến đâu xuất khẩu ngay đến đó. Năm 2010, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã sản xuất được 330 nghìn tấn than cốc quy khô, doanh thu đạt gần 2.500 tỷ đồng, đem lại cho Tập đoàn Hòa Phát lợi nhuận hơn 350 tỷ đồng. Do sản xuất có hiệu quả cao, tập đoàn đã tính đến việc triển khai đầu tư giai đoạn III của nhà máy than cốc, ông Ánh cho biết thêm.

Tận dụng nhiệt dư từ sản xuất than cốc, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đã xây dựng một nhà máy phát điện công suất giai đoạn I là 15 MW. Nhà máy nhiệt điện tận dụng triệt để nguồn khí thải nóng phát sinh từ việc luyện than cốc để sản xuất điện mà không phải sử dụng thêm bất cứ nguyên liệu nào khác. 17% sản lượng điện sản xuất ra đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho nhà máy luyện than cốc; số còn lại cung cấp cho nhà máy luyện thép trong KLH. Dự kiến khi nâng công suất giai đoạn II của nhà máy luyện than cốc lên 700 nghìn tấn/năm thì nguồn nhiệt dư để sản xuất điện sẽ tăng lên gấp đôi, công suất của nhà máy nhiệt điện sẽ đạt khoảng 30 MW/năm. Nhà máy Nhiệt điện nhiệt dư của Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đi vào hoạt động không chỉ tăng tính chủ động về điện cho hoạt động sản xuất của KLH mà còn tiết kiệm được chi phí, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện và bảo vệ môi trường. Khi giá điện trong nước tăng lên thì KLH sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.

Sản xuất ổn định và ngày càng phát triển, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát hiện đã tạo việc làm cho 460 lao động chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả nhờ công nghệ luyện than cốc siêu sạch