Hiệu quả mô hình trồng cây trong nhà lưới

03/09/2014 16:41

Một số nông dân, đơn vị trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà màng trồng một số loại cây trồng mới, góp phần đa dạng hóa cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.



Mỗi năm, anh Vũ Văn Thường ở xã Minh Tân (Nam Sách) trồng 3 vụ dưa, 1 vụ hoa ly
 trong nhà lưới, thu lãi trên 100 triệu đồng


Cho phép trồng cây khó tính

Hôm chúng tôi đến, rau màu trong nhà lưới của ông Phạm Văn Quyết ở thôn Phú Triều, xã Liên Hồng (Gia Lộc) vừa được thu hoạch. Ông đang phơi đất, chuẩn bị trồng hoa ly đón Tết Nguyên đán. Nhà lưới của ông gồm khung sắt, bên trên có ni-lông bao phủ, lưới bằng sắt và bằng nhựa bên ngoài để chống côn trùng. Bên trong có đường đi, hệ thống phun tưới tự động, đo nhiệt độ... Trước đây, ông Quyết thường tham gia trồng cây cho Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Thấy mô hình nhà lưới của Tiến sĩ Đào Xuân Thảng mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi tìm hiểu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ông đã xây dựng nhà lưới rộng 1.000 m2. Các loại cây ông trồng trong nhà lưới là loại cây khó tính, khó sống ngoài tự nhiên. "Với 1.000 m2 này, mỗi năm tôi trồng 2 vụ dưa Kim cô nương, 1 vụ rau và 1 vụ hoa ly. Trồng rau thì đơn giản, còn trồng hoa và dưa vất vả hơn một chút. Đất để trồng hoa và dưa phải tơi xốp, được trộn lẫn phân bón. Nhà lưới đặc biệt thuận lợi cho việc trồng hoa ly. Đây là loại hoa kén chọn thời tiết, ánh sáng nên có nhà lưới tôi điều chỉnh dễ hơn. Muốn hoa nở đúng thời điểm chỉ cần điều chỉnh bằng cách thắp điện để tăng nhiệt hoặc bỏ bớt lưới tăng ánh sáng. Nếu không có nhà lưới thì chắc chắn sẽ không trồng được loại hoa này vì mùa đông rất lạnh, ít ánh sáng...", ông Quyết cho biết.

Trung bình mỗi vụ, ông Quyết trồng 2.000 cây dưa và 2 vạn cây hoa ly, trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Không chỉ đầu tư nhà lưới hiện đại, những diện tích rau màu khác ông cũng làm khung, che lưới bên trên để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên, hệ thống này đơn giản, ít tốn kém hơn nhà lưới.

Cũng tìm hiểu và đưa hệ thống nhà lưới vào trồng cây từ năm 2012, trước đó, anh Vũ Văn Thường ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách) đã thấy việc trồng rau rất vất vả, nhất là phải phụ thuộc vào tự nhiên. Năm thời tiết thuận lợi thì rau bị ế, không bán được vì nhà ai cũng được mùa. Còn những lúc giá rau đắt thì lại không có để bán vì bị mưa, nắng làm hỏng. Hơn nữa, nông dân trong tỉnh cũng chỉ tập trung vào các loại rau truyền thống, chưa có cây đặc sản mang giá trị kinh tế cao nên chưa tạo được sự vượt trội về hiệu quả kinh tế. Mặc dù đầu tư nhà lưới tốn kém song hiệu quả mang lại cao rõ rệt. Vụ đầu anh Thường trồng 700 cây dưa lê Kim cô nương, thu được 5 tấn quả. Đây là giống dưa mới nên giá bán khá cao, 20 nghìn đồng/kg, anh thu được 10 triệu đồng. Ngoài giảm được công sức lao động, cây trồng trong nhà lưới cũng ít bị bệnh, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Hiện nay, mỗi năm anh Thường trồng 3 vụ dưa và 1 vụ hoa ly. Sau khi trừ chi phí anh lãi trên 100 triệu đồng.

Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cũng đầu tư hệ thống nhà lưới rộng 240 m2. Ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc trung tâm cho biết: "Trước đây chưa có nhà lưới, việc nghiên cứu, ứng dụng của trung tâm bị hạn chế. Nhiều khi muốn đưa giống mới vào nghiên cứu nhưng không thực hiện được. Từ khi có nhà lưới, việc nghiên cứu, ứng dụng của chúng tôi thuận lợi hơn nhiều. Đặc biệt, chúng tôi đã trồng được lan Hồ Điệp thương phẩm. Đây là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao song lại rất khó tính. Đặc điểm của cây này chỉ thích hợp với nhiệt độ từ 23-280C, độ ẩm từ 70-80%. Nhưng nhiệt độ thực tế ở Bắc Bộ lại cao hơn rất nhiều. Từ khi có nhà lưới, chúng tôi điều chỉnh được nhiệt độ phù hợp với cây trồng nên tỷ lệ cây sống cao".

Làm sao mở rộng?

Hiệu quả của việc xây dựng nhà lưới đã rõ, song số lượng nhà lưới trên địa bàn tỉnh ta còn hạn chế. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có 8 nhà lưới. Trong đó có 5 nhà lưới do người dân đầu tư, còn lại là của các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng.

Hiện nay, đầu tư nhà lưới cần số tiền khá lớn, từ 90-175 nghìn đồng/m2. Chi phí này phụ thuộc vào nguyên liệu người đầu tư sử dụng. Nếu là khung sắt, lợp bằng ni-lông chuyên dụng hoặc nhập khẩu thì đắt hơn so với nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, ni-lông nhập khẩu bền hơn, từ 7-10 năm mới phải thay 1 lần. Trong khi đó, tỉnh ta chưa có chính sách hỗ trợ đối với người dân xây dựng nhà lưới trên địa bàn. Trong số 5 nhà lưới của tư nhân, mới chỉ có nhà lưới của anh Vũ Văn Thường được huyện Nam Sách hỗ trợ 50% chi phí xây dựng. Còn những nhà khác đều do người dân tự tìm hiểu và bỏ tiền ra xây dựng. Anh Thường cho biết: "Do số tiền đầu tư cao quá nên nhiều người dân muốn cũng còn ngần ngại. Tôi muốn mở rộng diện tích nhà lưới ra để trồng được thêm nhiều cây quả đặc sản song điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên chưa làm được". Bên cạnh đó, người dân cũng còn băn khoăn việc đưa các cây vào trồng trong nhà lưới. Là mô hình tự tìm hiểu của người dân nên việc trồng cây gì, kỹ thuật như thế nào đều do người dân mày mò tự tìm hiểu. Do là cây mới có nên thị trường tiêu thụ cũng khó khăn. Có người thậm chí còn phải bán lẻ ở ngoài chợ.

Tiến sĩ Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, người nghiên cứu ra mô hình nhà lưới, nhà màng cho biết: Việc đầu tư nhà lưới, nhà màng phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay, vì những năm gần đây thời tiết luôn biến động, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất rau màu. Việc đầu tư nhà lưới giúp khắc phục những nhược điểm trên để mang lại hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, người dân không nên đầu tư một cách ồ ạt mà cần có định hướng của cơ quan chức năng, tránh việc làm quá nhiều nhà lưới dẫn đến sản phẩm nhiều không thể tiêu thụ được hết.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, sở xây dựng kế hoạch về phát triển nhà lưới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ xây dựng về kế hoạch phát triển nhà lưới, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các loại cây trồng phù hợp...


THANH HÀ

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Đào Xuân Thảng về việc trồng dưa vàng thơm trong nhà màng, nhà lưới và trồng ngoài đồng cho thấy: năng suất quả trồng trong nhà màng đạt từ 29-35 tấn/ha, nhà lưới đạt 23 tấn/ha, trong điều kiện ngoài đồng chỉ đạt 18 tấn/ha. Giá bán các loại quả này cũng chênh lệch đáng kể. Quả thu từ nhà màng bán được 25-30 nghìn đồng/kg, nhà lưới từ 20-25 nghìn đồng/kg, nhưng trồng ngoài đồng chỉ từ 15-16 nghìn đồng/kg. Giá trị sản xuất ở nhà màng đạt từ 500-600 triệu đồng/ha/vụ, nhà lưới đạt 300-450 triệu đồng/ha/vụ, ngoài đồng đạt 200-399 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, do việc đầu tư xây dựng nhà màng lớn nên hiện nay mới chỉ có Viện Cây lương thực và cây thực phẩm xây dựng được mô hình này.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả mô hình trồng cây trong nhà lưới