Đề án phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân...
Ông Vũ Văn Bình ở thôn Tân Kỳ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) được hỗ trợ gần 19 triệu đồng
từ đề án để mua 650 con ngan giống
Để hỗ trợ người chăn nuôi khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, từ giữa năm 2012, tỉnh đã phê duyệt Đề án "Phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015". Sau hơn 2 năm thực hiện, đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiện ở thôn Qua Bộ, xã Liên Hồng (Gia Lộc) chăn nuôi quy mô nhỏ gần chục năm nay. Thông thường, ông Hiện chỉ nuôi 2 con lợn nái và mấy con lợn thịt. Cuối năm 2012, ông Hiện biết có đề án trên nên đã làm thủ tục để được vay vốn có hỗ trợ lãi suất. Sau khi các ngành, các cấp thẩm định, đầu năm 2013, ông được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho vay 60 triệu đồng. Ngoài số tiền này, ông còn vay thêm tiền của bạn bè để mua 20 con lợn nái. Giữa năm 2013, đàn lợn nái của ông đã sinh sản. Từ đó đến nay, ông bán được 400 con lợn thịt, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán gia đình ông sẽ bán được thêm khoảng 100 con lợn thịt nữa. Ông Hiện cho biết: "Trước đây, tôi cũng muốn mở rộng chăn nuôi nhưng vốn không có nên không thực hiện được. Khi biết có chính sách hỗ trợ vay vốn không phải trả lãi suất của tỉnh, tôi đã tìm hiểu và làm các thủ tục để được vay. Số tiền trên thật sự quan trọng, là động lực để tôi có thể mở rộng chăn nuôi".
Bên cạnh được vay vốn không lãi suất để đầu tư mua lợn, thì các hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ 100% vốn để mua gia cầm và 50% thủy cầm giống. Ông Vũ Văn Bình ở thôn Tân Kỳ, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cho biết: "Gia đình tôi đã nuôi ngan giống được chục năm nay. Đối với ngan đẻ thì cứ nuôi được một thời gian lại phải thay giống thì mới bảo đảm chất lượng. Khi biết tỉnh có chương trình hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi, lứa vừa rồi tôi đã đến Viện Chăn nuôi quốc gia (Hà Nội) mua 650 con ngan giống, trong đó có 500 con ngan mẹ về nuôi. Con giống ở đây được kiểm nghiệm chất lượng nên tôi khá yên tâm và cũng phù hợp với các tiêu chí được hỗ trợ của tỉnh. Số tiền tôi được hỗ trợ gần 19 triệu đồng. Nuôi ngan giống phải từ 8-9 tháng mới được khai thác, trong thời gian đó, tiền thức ăn tốn rất nhiều, chính vì thế việc tỉnh hỗ trợ chúng tôi vốn để sản xuất, kinh doanh rất có ý nghĩa, góp phần giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn.
Việc hỗ trợ lãi suất và vốn vay cho người chăn nuôi là một trong những chính sách rất quan trọng, được họ đồng tình ủng hộ và tham gia, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Liên tiếp trong nhiều năm gần đây, người chăn nuôi tỉnh ta gặp dịch bệnh, thị trường khó khăn, giá cả xuống thấp và phải cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Nhiều người chăn nuôi không có vốn để sản xuất, kinh doanh. Để phục hồi chăn nuôi có người phải đi vay vốn từ bên ngoài với lãi suất cao.
Các hộ chăn nuôi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chưa có hộ nào nợ tiền gốc mà không trả được. Từ nguồn vốn hỗ trợ đã thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển. Dự kiến đến hết năm nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 29,1% tổng giá trị ngành nông nghiệp, tăng 1,5% so với mục tiêu đề ra và tăng bình quân 3,6%/năm. Hằng năm, số gia súc, gia cầm đều tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và bán ra thị trường bên ngoài. Riêng sản lượng thịt lợn sữa xuất khẩu đạt 11.552 tấn, tăng 131% so với trước khi thực hiện đề án.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Đây là một chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều người đã khôi phục và mở rộng chăn nuôi, không phải lo lắng về vốn như trước đây. Bên cạnh đó, đề án đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của chăn nuôi về công nghệ, thiết bị và giống. Họ đã coi trọng chất lượng trong tổ chức chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, góp phần làm cho năng suất và hiệu quả cao. Thông qua các lớp tập huấn thuộc dự án đã giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ kỹ thuật, tổ chức chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm".
Bên cạnh những mặt tích cực do đề án mang lại thì theo phản ánh của người dân đề án vẫn còn những bất cập. Đó là, để được vay vốn thì người dân phải chờ đợi lâu, người dân chỉ được vay một lần trong quá trình thực hiện đề án, sau khi hoàn thiện xong hồ sơ, thủ tục thì việc nhận được tiền vay chậm... Dự án cũng cần mở rộng thêm đối tượng cho vay. Tỉnh cần tiếp tục xây dựng những đề án, chính sách liên quan đến chăn nuôi, chú trọng vào việc hỗ trợ cho người dân. Thủ tục vay cần nhanh gọn, tăng thời gian cho vay để chúng tôi có vốn tái sản xuất.Đây là vấn đề, các cấp, ngành cần quan tâm khắc phục khi hỗ trợ vốn vay cho bà con nông dân trong các chương trình khác.
Từ khi triển khai Đề án đến nay, đã có 1.269 hộ đăng ký vay vốn, trong đó có 848 hộ được vay với tổng số tiền 91 tỷ 556 triệu đồng, tỉnh đã hỗ trợ lãi suất trên 4 tỷ 150 triệu đồng. Các hộ dân đã vay để mua 5.413 con lợn nái ngoại, 7.074 con lợn nái lai và Móng Cái, 15.980 con lợn thịt và 352 con bò cái lai sinh sản, 2 hộ được hỗ trợ để mua gia cầm giống.
|
THANH HÀ