Khoảng 2 năm trở lại đây, một số nông dân huyện Kim Thành đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới sản xuất rau quả sạch...
Vụ dưa mới xuống giống đang trong giai đoạn phát triển của gia đình ông Nguyễn Văn Tám
Giảm sức lao động, tăng lãi
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Tám ở thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm nhà màng, nhà lưới trồng rau quả theo hướng an toàn với quy mô gần 3.000 m2. Ông có 2 nhà màng, mỗi nhà rộng gần 1.500m2 được thiết kế theo công nghệ của Israel. Khung nhà được dựng bằng thép không gỉ, giàn khung có thể chịu lực hàng chục tấn, bao quanh bởi tấm màng mỏng, phía trên được che nilon cách nhiệt. Bên trong có hệ thống cáp treo, điều hòa không khí và hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Ông Tám cho biết: "Ưu điểm của công nghệ sản xuất này là hoàn toàn tự động. Bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu nên giảm sức lao động rất nhiều. Nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều hòa không khí phù hợp, cây sinh trưởng, phát triển tốt, hoàn toàn không có sâu bệnh. Giá bán sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều".
Từ năm 2016 đến nay, gia đình ông Tám đã thu được 8 vụ rau quả, trung bình mỗi năm 3vụ. Ông chủ yếu trồng dưa lưới cao cấp của Nhật Bản, Malaysia, dưa chuột Israel... "Vụ dưa lưới đầu tiên do có ít kinh nghiệm nên năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn/sào nhưng đến vụ thứ hai mỗi sào dưa cho từ 1,2 - 1,3 tấn. Với giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi sào dưa thu được từ 500 - 550 triệu đồng, cao gấp 10 - 12 lần so với sản xuất theo cách truyền thống", ông Tám nói. Dưa của gia đình ông Tám chủ yếu được tiêu thụ tại Hải Phòng, Quảng Ninh.
Gia đình bà Hoàng Thị Bình ở thôn Thiên Đông, xã Kim Tân cũng đầu tư nhà màng, nhà lưới trồng rau quả gần 2 năm nay. Trên diện tích hơn 500 m2, bà Bình trồng dưa chuột Israel và rau cải xanh. Mỗi năm bà quay vòng 3 - 4 vụ. "Trồng rau theo mô hình này không lo thất thu vì sâu bệnh hại, giá bán lại cao hơn từ 3 - 4 lần so với cách trồng truyền thống. Mỗi đợt thu hoạch, các cửa hàng rau quả sạch từ Hải Phòng về tận ruộng thu mua", bà Bình cho biết. Đến nay, gia đình bà Bình đã cung cấp cho thị trường gần 15 tấn rau quả trồng trong nhà màng, nhà lưới với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg. Gia đình bà đang thu hoạch đợt dưa chuột cuối vụ, sau đó chuyển sang trồng cà chua bi. Dự kiến vụ này bà Bình sẽ thu được hơn 2 tấn dưa chuột, nhiều gấp ba với cách trồng truyền thống.
Kịp thời hỗ trợ
Đến nay, gia đình bà Hoàng Thị Bình đã cung cấp cho thị trường gần 15 tấn rau quả với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành, một số nông dân trong huyện đầu tư phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới từ khoảng 3 năm trở lại đây. Quy mô lớn nhất là mô hình sản xuất hoa ly của Công ty CP Hoa miền Bắc ở thôn Phù Tải 1 (xã Kim Đính) với gần 5 ha. Các mô hình sau khi đi vào hoạt động đều phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nhà màng, nhà lưới đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên số hộ tham gia còn ít. Từ năm 2016, tỉnh hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng, nhà lưới với quy mô 1.000 m2 trở lên. Gia đình ông Tám đã được hỗ trợ gần 300 triệu đồng. Năm 2018, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Kim Thành hỗ trợ thêm 50.000 đồng/m2 cho các mô hình sản xuất rau màu bằng nhà màng, nhà lưới, sản xuất nông nghiệp sinh học ứng dụng công nghệ cao, quy mô từ 500m2 trở lên.
Sản xuất nông nghiệp bằng nhà màng, nhà lưới ở Kim Thành mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nông dân. Tuy nhiên, các mô hình đều do người dân tự nghiên cứu, đầu tư, tìm kiếm thị trường... nên trình độ thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
HÀ VY