Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền cơ sở ở huyện Bình Giang đã xây dựng thành công nhiều mô hình dân vận khéo...
Mô hình dân vận khéo tiêu biểu ở xã Tân Hồng (Bình Giang) thường gắn liền với phong trào khuyến học.
Trong ảnh: Thôn Mộ Trạch có đến 2 tủ sách phục vụ nhân dân miễn phí
Chính quyền gần dânĐảng ủy xã Nhân Quyền đã thực hiện tốt Quyết định số 1363-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với nhân dân. Nhiều câu hỏi đã được những người đứng đầu xã giải đáp thấu đáo ngay tại cuộc đối thoại. Các kiến nghị của người dân cũng được lãnh đạo xã tiếp thu và thực hiện ngay sau đó. Đơn cử như việc người dân phản ánh xã cấp giấy khai sinh, sổ hộ khẩu có sai sót về họ, tên, ngày tháng năm sinh... Chủ tịch UBND xã đã tiếp thu ý kiến, chỉ đạo bộ phận liên quan hướng dẫn người dân đến làm thủ tục cấp lại mà không cần phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào. Chính quyền xã sẽ có trách nhiệm làm công văn gửi tới các đơn vị liên quan nếu người dân gặp phiền hà khi sử dụng những giấy tờ có sai sót trước đó. “Đối thoại trực tiếp đã giúp lãnh đạo xã xích lại gần dân, hiểu dân hơn, từ đó phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, tổ chức đối thoại cần phải thực hiện có nền nếp hơn nữa”, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền nhấn mạnh.
Từ việc hiểu dân, sát dân nên xã Nhân Quyền đã biết phát huy sức dân. Sau nhiều năm tự học hỏi kinh nghiệm trồng cam, nhãn từ các nhà vườn ở Hưng Yên, bà Vũ Thị Năm ở thôn Hòa Loan đã về áp dụng tại vườn cây hơn 1,5 mẫu của gia đình, mỗi vụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả đó, xã đã vận động nông dân đến học hỏi gia đình bà Năm và nhân rộng mô hình ra nhiều hộ khác. Thời gian tới, xã Nhân Quyền tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách liên kết 4 nhà cho mô hình mới này.
Ở xã Tân Hồng, các mô hình dân vận khéo nổi bật thường gắn liền với phong trào khuyến học, khuyến tài. Xã thành công trong việc vận động người dân xây dựng tủ sách cộng đồng ở tất cả các thôn. Riêng thôn Mộ Trạch có 2 tủ sách đặt tại nhà văn hóa thôn và miếu làng với hơn 4.000 cuốn, trong đó có không ít sách quý. Riêng ông Vũ Văn Thạc (85 tuổi) sau hơn 10 năm mở thư viện miễn phí tại nhà, đã tự nguyện hiến hàng nghìn cuốn sách cho tủ sách của thôn Mộ Trạch. Hằng năm, các tủ sách đều được bổ sung nhiều sách hay từ các cá nhân, tập thể tự nguyện quyên góp. Các Chi hội Khuyến học thôn tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tới đọc sách và tổ chức trông coi, bảo quản sách cẩn thận.
Tiếp tục đổi mớiĐể nâng cao hơn nữa công tác dân vận, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền cho rằng cán bộ, công chức phải thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới có thể làm dân vận tốt. "Theo tôi, mỗi năm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nên đối thoại trực tiếp với chính quyền cấp xã và nhân dân ít nhất 1 lần chứ không chỉ dừng lại ở cấp huyện như hiện nay", ông Trực đề xuất.
Ngoài đánh giá cao hiệu quả của các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân, ông Vũ Đình Lập, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bình Giang nhấn mạnh đến việc thay đổi tư duy về làm dân vận. Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng dân vận là công việc thuộc khối đảng, nhưng chính quyền cũng phải làm tốt công tác này. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả của công tác dân vận tại bộ phận “một cửa”. Thời gian tới, Bình Giang tiếp tục chú trọng thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác dân vận và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan.
MAI LINH