Hiểu luật kiểu “thầy bói xem voi”

24/12/2019 06:36

Cách hiểu không chính xác về các quy định của pháp luật có thể dẫn đến nhiều hệ quả tai hại chứ không chỉ đơn giản là những câu chuyện đùa đang lan tràn trên mạng xã hội.

“Từ năm 2021, lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản của vợ” - cách diễn giải về một trong những điểm mới của nguyên tắc trả lương và hình thức trả lương cho người lao động tại Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây.

Việc lấy một trường hợp cụ thể để diễn giải về luật khiến nhiều người đọc không kỹ hiểu lầm rằng đó là một quy định cụ thể, bắt buộc. Trong khi luật chỉ quy định chung: “Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.

Như vậy, người chồng có thể ủy quyền để vợ hoặc người nào đó nhận lương của mình mà người vợ cũng có thể ủy quyền để chồng hoặc người khác nhận lương. Việc hiểu không đầy đủ về luật như vậy chẳng khác nào câu chuyện “thầy bói xem voi”, chỉ thấy được một bộ phận cụ thể mà tưởng rằng đã hiểu đúng toàn bộ.

Cách hiểu không chính xác về các quy định của pháp luật có thể dẫn đến nhiều hệ quả tai hại chứ không chỉ đơn giản là những câu chuyện đùa đang lan tràn trên mạng xã hội. Những hiểu lầm kiểu này khiến nhiều quy định đúng đắn của pháp luật  bỗng trở nên méo mó trong cách nhìn của người dân, luật khó đi vào cuộc sống.

Vì hiểu lầm nên nhiều người, chủ yếu là đàn ông đã phản đối quy định trên của Bộ luật Lao động mới một cách gay gắt, còn chị em lại “mở cờ trong bụng”. Vấn đề này có thể gây mâu thuẫn trong nhiều gia đình bởi việc quản lý tiền lương của người chồng vốn là chủ đề khá nhạy cảm.

Hiểu luật theo kiểu “thầy bói xem voi” khá phổ biến khi những quy định mới ngày một nhiều. Ví dụ, gần đây một số giáo viên nghĩ rằng theo Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26.8.2019 thì giáo viên sẽ không còn được dạy thêm ở ngoài nữa nên nhiều người rất hoang mang, lo lắng.

Thực ra quyết định trên chỉ công bố hết hiệu lực quy định về cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với tổ chức, cá nhân theo khoản 3 điều 74 Luật Đầu tư 2014 chứ không nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm. Việc dạy thêm, học thêm vẫn được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hay như khi Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, nhiều người cũng lên tiếng phản đối quy định các loại xe máy chuyên dùng, xe gắn máy chỉ được đi với tốc độ tối đa 40 km/giờ. Nguyên nhân do họ hiểu chưa đúng về loại xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, tưởng đó là xe máy mình vẫn sử dụng hằng ngày.

Khi Luật An ninh mạng mới ra đời, nhiều người cũng phản đối dữ dội bởi hiểu không đúng về các quy định, tưởng rằng sẽ không còn được sử dụng một số mạng xã hội và thông tin cá nhân bị kiểm soát...

Để các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, được tuân thủ một cách nghiêm túc và đúng đắn thì việc người dân hiểu đúng, biết đủ về luật là rất quan trọng và cần thiết. Bởi vậy, các cơ quan liên quan, báo chí, truyền thông, các đoàn thể cần xây dựng những cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật dễ hiểu nhưng phải đầy đủ, tránh những hiểu nhầm.

Đối với những quy định mới, cần tuyên truyền lâu dài, thường xuyên, giải thích kịp thời những lầm tưởng nếu có. Bản thân mỗi người dân cần rèn luyện thói quen đọc kỹ, tìm hiểu về luật từ nhiều nguồn để hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu luật kiểu “thầy bói xem voi”