Một hiện tượng tự nhiên có tên gọi ”vòm nhiệt” được cho là nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục tại các quốc gia ở Bắc Bán cầu trong mùa hè này.
Theo tờ Scitechdaily, dù mới chỉ đầu tháng 6 song các khu vực trên khắp thế giới đều đã cảm nhận được cái nắng nóng thiêu đốt kỷ lục. Đợt nắng nóng năm nay xảy ra khoảng một tháng trước khi cái nóng mùa hè đạt đỉnh điểm.
Các nhà khí tượng học của báo The Washington Post chỉ ra làn sóng nhiệt cao ở nhiều nơi là kết quả của hiện tượng "vòm nhiệt". Hiện tượng này xảy ra khi áp suất cao ở tầng giữa đến tầng cao của bầu khí quyển hoạt động như một "nắp đậy", giữ không khí ấm khi nó bốc lên và đẩy nó ngược trở lại bề mặt. Hiện tượng này từng trở thành mối quan tâm của các nhà khí tượng khi chứng kiến đã nhiệt độ tại Trung Đông tăng vọt vào tháng 7 và tháng 8.2015.
Theo bản đồ nhiệt độ ghi nhận tại khu vực Trung Đông vào ngày 6.6, ít nhất 4 quốc gia bao gồm Iran, Kuwait, Oman và Các tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) chứng kiến nhiệt độ lên đến mức kỷ lục trên 50 độ C. Tại vùng Sweihan của UAE, nhiệt độ là 51,8 độ C – mức nhiệt cao nhất trong tháng 6. Các quốc gia ở Trung và Nam Á cũng được báo cáo chứng kiến mức nhiệt cao bất thường trong năm.
Tại miền Tây nước Mỹ, người dân ở đây cũng phải vật vã dưới cái nắng nóng thiêu đốt trong tuần này, khi “vòm nhiệt” kết hợp với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại đã đẩy nhiệt độ xô đổ mọi kỷ lục ngay trước khi chính thức bắt đầu mùa hè.
Mức nhiệt cao kỷ lục trong ngày của tuần này đã được ghi nhận tại các bang bao gồm Arizona, California, New Mexico, Montana, Wyoming và Utah. Thành phố Phoenix – một trong những khu vực đạt đỉnh điểm – chứng kiến mức nhiệt 48 độ C vào ngày 17.6, và dự kiến giảm 2 độ trong hai ngày tiếp theo.
“Ngày hôm nay, mức nhiệt nguy hiểm phá kỷ lục sẽ tiếp diễn với nhiệt độ cao hơn nhiều so với bình thường. Người dân không có việc gì hãy ở trong nhà” Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Phoenix khuyến cáo trên Facebook.
Marvin Percha, một nhà khí tượng học cấp cao tại Phoeniz, chỉ ra sự kết hợp hệ thống áp suất cao ở phía Tây ngăn chặn luồng gió thổi qua nước Mỹ và tình trạng hạn hán đã khiến đợt nắng nóng năm nay đến sớm hơn và kéo dài lâu hơn so với mọi năm. “Tháng 6 năm ngoái, thời tiết vẫn khá bình thường. Các đợt nắng nóng đỉnh điểm thường xảy ra vào tháng 8, tháng 9”, ông Marvin cho hay.
Tại châu Âu, đợt nắng nóng cũng được dự báo sẽ chạm đến mức nhiệt chưa từng thấy kể từ năm 2019. Một khu vực áp cao bắt đầu từ Tây Âu vào đầu tuần sẽ dần dần mở rộng về phía Đông cho đến cuối tuần. Hiện tượng này sẽ khiến nhiệt độ tăng lên khoảng 5 - 11 độ C so với mức nhiệt thông thường.
Ngày 15.6, nhiệt độ tại Pháp tăng đột biến lên 32 độ C. Ở miền Trung và Tây Tây Ban Nha, nhiệt độ buổi chiều dao động trong khoảng 32-37 độ C.
Tại Warsaw (Ba Lan), nhiệt độ buổi chiều được dự báo sẽ có xu hướng cao hơn vào cuối tuần và có thể lên tới 32 độ C, cao hơn gần 11 độ C so với mức nhiệt bình thường vào giữa tháng 6. Nhà khí tượng học cấp cao Tyler Roys của AccuWeather cho biết: "Đợt nắng nóng này có thể sẽ là kỷ lục đối với các quốc gia vì đây mới là đầu tháng. Các đợt nắng nóng trước đó đều được ghi nhận vào cuối tháng 6".
Theo Báo Tin tức