Hiểm nguy rình rập thợ hồ

02/04/2018 11:10

Vì kế sinh nhai, nhiều thợ hồ (thợ xây) tự do chấp nhận làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả và thường xuyên phải đối diện với nguy hiểm, rủi ro.


Hầu hết thợ hồ làm việc trên cao nhưng không thắt dây an toàn

Đối diện với tử thần

Mới ở tuổi 44 nhưng anh Vũ Đình Mười ở thôn Phục Lễ, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) đã có gần 30 năm cầm dao xây rong ruổi qua rất nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc để kiếm sống. Dù làm ở xa hay gần nhà, chỉ đến khi kết thúc ngày làm việc trở về đến nhà an toàn, anh mới thực sự yên tâm. 

Như đã hẹn, chúng tôi tìm về thôn Tuấn, xã Hùng Thắng (Bình Giang), nơi tốp thợ của anh Mười đang xây nhà cho một hộ dân. Công trình mới khởi công được gần một tháng nên hiện mới đổ móng xong. Tranh thủ giờ giải lao, tôi cùng anh Mười ngồi trò chuyện ngay cạnh công trình. "Nghề của bọn anh vất vả lắm chú ạ! Trước đây do học hành không đến nơi đến chốn, gia đình lại có nhiều người cũng làm nghề này nên mình mới theo. Giờ có tuổi rồi khó chuyển sang việc khác nên đành chấp nhận vậy. Theo nghề này, người thợ phải có sức khỏe dẻo dai, chịu khó, chịu khổ và kiên trì", anh Mười nói.

Ngoại trừ trời mưa cánh thợ hồ mới được nghỉ còn những ngày giá rét, nóng nực vẫn làm bình thường. Vào mùa đông phải làm việc ngoài trời, tuy rất lạnh nhưng họ không dám mặc nhiều quần áo vì sợ vướng víu khó xoay xở. Anh Vũ Đình Vuốt cũng ở thôn Phục Lễ chia sẻ: "Những ngày nhiệt độ xuống thấp, phải trát tường bên ngoài trên tầng cao là ngại nhất. Trước khi lên giáo, chúng tôi đều phải làm vài động tác cho nóng người. Đôi tay trần trở nên co cứng, động tác không thật. Mỗi lần có cơn gió bấc rít lên quật vào người khiến chúng tôi lạnh buốt, giàn giáo thì rung rinh, người nhát gan khó chịu nổi". 

Cái nóng nực của mùa hè cũng là nỗi sợ đối với cánh thợ xây. Trong cái nắng như thiêu như đốt, họ vẫn phải làm việc ngoài trời để bảo đảm tiến độ công trình. Những tấm lưng phơi hàng giờ trước ánh nắng mặt trời, không khí hầm hập như trong chảo lửa. Anh Mười kể: "Mùa hè năm ngoái, có hôm nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C chúng tôi vẫn phải làm. Tuy đã có lưới che nhưng ánh nắng chiếu vào đâu chúng tôi thấy rát đến đó. Nhiệt độ cao, cộng với mùi cát, gạch, xi măng bốc lên làm cho không khí càng thêm ngột ngạt. Những lúc như thế, chúng tôi chỉ làm được hơn 1 tiếng đồng hồ lại phải vào nghỉ trong bóng râm. Hoặc khi nào thấy người mệt, hơi choáng là phải dừng ngay. Nhiều người đã bị say nắng". Ngồi nói chuyện với anh Mười chỉ gần 1 giờ trong cái nắng mới cuối tháng 3 nhưng tôi đã cảm thấy uể oải. Hình dung đến cái nóng chừng 2-3 tháng nữa tôi phần nào cảm nhận được sức chịu đựng và nỗi vất vả của anh em thợ hồ.


Đón tời không cẩn thận, thợ hồ có thể mất mạng

Nhưng tai nạn, rủi ro mới thực sự là nỗi ám ảnh. Chỉ cần một chút sơ sểnh là nó có thể ập đến với họ bất cứ lúc nào. Nguy hiểm nhất với thợ hồ xuất phát từ giàn giáo và đón tời. Hiện nay, loại giáo được cánh thợ hồ sử dụng phổ biến nhất là giáo cây (dùng cây gỗ xiên qua tường), giáo tiệp (giáo sắt), giáo treo (những tầng giáo được kết nối bằng các thanh sắt). Mỗi loại giáo có ưu điểm và nhược điểm riêng. Giáo cây được cai thầu đầu tư hay đi thuê đều rẻ, bắc được ở các địa hình, thuận lợi cho công việc. Giáo tiệp hoặc giáo treo có độ an toàn cao nhưng đầu tư tốn hơn và chỉ bắc được ở nhưng nơi có không gian phù hợp. Nhưng dù là loại giáo gì nếu người làm không cẩn thận đều rất dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm. Giáo cây không phải ai cũng bắc được mà phải là những thợ có kinh nghiệm chọn cây dầm, cây chống, buộc dây. Nếu chọn không tốt gặp phải cây bị ải, mọt sẽ dẫn đến sập giáo. Còn giáo tiệp và giáo treo nếu chất tải quá nặng sẽ bị gẫy giá đỡ...

Một mối nguy hiểm không kém mà anh em thợ xây hay gặp là ngã lúc đón tời. Trước đây, khi xây từ tầng 2 trở lên, các nguyên vật liệu như gạch, đá, cát, xi măng, dụng cụ khác đều được vận chuyển thủ công thì nay hầu hết đã được thay bằng tời máy. Khi người thợ đón tời ở tầng trên, không may dây tời hoặc dây néo tời ở gọc chữ A bị đứt sẽ lôi cả người xuống. Không chỉ người ở trên cao gặp nguy hiểm mà ngay cả người ở dưới đất cũng khó tránh. Nếu thợ phụ xách vữa, chuẩn bị vật liệu đứng dưới giàn giáo có thể bị vật liệu rơi vào đầu hoặc giàn giáo đè lên. Những năm qua, đã không ít người bị sập giáo, ngã tời từ trên cao xuống gây tử vong.

Chủ quan  

Theo nhiều thợ hồ có thâm niên, để hạn chế tai nạn không có cách gì hơn là chính bản thân người thợ phải có ý thức phòng tránh, cẩn thận khi làm. Thời gian qua, tai nạn thương tâm đến với cánh thợ hồ phần lớn do sự chủ quan, thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng bảo đảm an toàn lao động. 

Dạo qua một số điểm nhà dân đang bước vào khâu hoàn thiện trên địa bàn tỉnh, điều chúng tôi dễ nhận thấy là dù làm việc dưới đất hay trên giáo các thợ hồ đều không hề có bảo hộ lao động. Những chiếc mũ cối, mũ lưỡi trai, nón lá là vật dụng phổ biến mà họ sử dụng. Các vật dụng này làm sao chống đỡ được khi có vật nặng, cứng, sắc nhọn như gạch, sắt, cốp pha rơi vào đầu. Đặc biệt, dù đang làm việc chênh vênh trên độ cao vài mét lên tới cả chục mét nhưng hầu hết họ không thắt dây an toàn. Lý giải về việc này, thợ hồ đều cho rằng việc thắt dây an toàn sẽ khiến người bị gò bó không linh hoạt trong công việc vì phải liên tục đứng lên ngồi xuống nhặt gạch, đón vữa và di chuyển. 


Công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên hiện nay thợ hồ chủ yếu là người trung tuổi

Chính sự chủ quan, coi thường tính mạng của mình nên không ít thợ hồ đã gặp phải tai nạn thương tâm. Anh Nguyễn Văn Viết, cai thầu lâu năm ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) cho biết mấy năm trước, ở địa phương anh có một người thợ bị ngã từ tầng 2 xuống dẫn đến tử vong. Hôm đó, anh ấy chỉ gác một tấm gỗ trên khung giáo tiệp nhưng lại chất nhiều gạch, vữa nên thanh gỗ bị gẫy. Cách đây hơn chục năm, khi anh P.V.T. ở thôn Phục Lễ đang đón tời trên tầng 4 thì dây neo tời bị đứt, vì không thắt dây an toàn nên anh đã lao xuống đất và tử vong tại chỗ. 

Tai nạn có thể đến với người thợ bất cứ lúc nào nếu họ còn chủ quan, coi thường tính mạng. Khi tai nạn đến thường rất nặng vì họ ngã từ trên cao và không có trang thiết bị bảo vệ an toàn. Nếu may mắn thoát chết, di chứng để lại cũng rất nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý và chế độ, chính sách bắt buộc với thợ hồ cũng như lao động tự do khác. Cũng không có sự ràng buộc nào với cai thầu và chủ nhà nên khi gặp tai nạn, thợ hồ chịu rất nhiều thiệt thòi. 

Ráo mồ hôi, hết tiền

Mặc dù công việc vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập của những người thợ hồ rất bấp bênh. Hiện nay, 1 ngày công của thợ chính được 280.000 - 300.000 đồng/người, thợ phụ được 200.000 - 220.000 đồng/người. Tuy nhiên, không phải tháng nào họ cũng được 30 công. Những tháng đầu năm hay mưa nhiều mỗi người chỉ được 10 - 20 công/tháng. Do đó, hàng chục năm nay làm thợ nhưng kinh tế của gia đình anh V.D.C. ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) vẫn khá eo hẹp. Vợ anh bán tạp hóa thu nhập không đáng kể nên mọi chi tiêu của gia đình và tiền nuôi 3 con ăn học đều trông chờ vào anh. Những tháng làm ít lại phải chi tiêu nhiều, vợ chồng anh phải xoay xở rất mệt mỏi. 

Còn anh Trương Văn Hiếu ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện), sau gần 10 năm đi xây ở trong Nam ngoài Bắc, cuộc sống gia đình anh vẫn rất thiếu thốn. Tiền công hằng tháng thấp, vợ anh cũng chỉ làm công nhân thu nhập hạn chế nên để lo đủ tiền chi tiêu và nuôi 2 con không hề đơn giản. Để có cuộc sống khá giả hơn, năm ngoái anh Hiếu quyết định sang Trung Quốc làm ăn. Không biết liệu cuộc sống của gia đình anh có khá giả hơn không, nhưng biết bao rủi ro đang chờ anh nơi xứ người.

Chính vì công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên thời gian qua, nhiều thợ hồ đã phải bỏ nghề. Cánh thanh niên bây giờ ngày càng hiếm người theo nghề này.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm nguy rình rập thợ hồ