Hiểm họa từ rượu, bia

07/02/2014 11:00

Số ca chấn thương do tai nạn giao thông nhập viện trong những ngày Tết tăng 30% so với ngày thường. Trong đó, 70% có sử dụng rượu, bia...



Uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông
trong dịp Tết (ảnh chỉ mang tính minh họa)


Tình trạng uống rượu, bia tràn lan trong những ngày Tết đang ngày càng trở thành nỗi lo của các gia đình và toàn xã hội. Uống rượu, bia không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.


Phát bệnh vì uống rượu


Mùng 2 Tết, anh Vũ Văn T. (45 tuổi) ở xã Kim Giang (Cẩm Giàng) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bị đau bụng dữ dội. Anh T. có tiền sử uống rượu quá nhiều từ các năm trước, trung bình mỗi ngày anh uống từ 1- 2 cốc rượu, tương đương với 200 - 300ml. Tháng 4 -2013, anh T. cũng từng phải vào bệnh viện do viêm tụy, rối loạn chuyển hóa đường huyết và bác sĩ khuyên tuyệt đối không được uống rượu. Anh T. cho biết: “Tôi đã kiêng rượu được 8 - 9 tháng nay nhưng trong mấy ngày Tết, anh em, bạn bè nhiệt tình mời ăn cơm gặp mặt đầu xuân nên khó lòng từ chối”. Không những vậy, các bác sĩ còn chẩn đoán anh T. có biểu hiện rối loạn tâm thần nhẹ do uống rượu lâu năm.

Nằm cạnh giường anh T., anh Nguyễn Lê Th. (44 tuổi) ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) vào Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị lần đầu tiên nhưng đã trong tình trạng xơ gan nặng do uống nhiều rượu, bia. Bác sĩ Vũ Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Nội 4 cho biết: “Từ ngày 28 Tết đến nay, số bệnh nhân vào khoa điều trị tăng dần. Nếu như trước Tết, trung bình mỗi ngày chỉ có 18 - 22 ca thì đến mùng 4 - 5 Tết tăng lên 34 - 35 ca/ngày. Trong đó, có khoảng 70 - 80% bị xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày do uống nhiều rượu trong nhiều năm liền hoặc uống dồn dập trong những ngày nghỉ Tết. So với những ngày thường, số bệnh nhân nhập viện trong dịp Tết đông hơn với diễn biến bệnh nặng và phức tạp hơn. Đặc biệt, bệnh nhân vào viện có nhiều bệnh phối hợp kèm theo. Bệnh nhân bị xơ gan thường có biến chứng xuất huyết đường tiêu hóa, loạn thần do cai rượu, hôn mê gan, các bệnh nhiễm khuẩn. Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ 30 - 45 tuổi”.

Nhiều người bị tai nạn giao thông

Bùi Minh Ch. (15 tuổi) ở xã Tân Dân (Chí Linh) nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng phải mổ cấp cứu ngay sau giao thừa. Được các y, bác sĩ Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tích cực chăm sóc, điều trị, đến nay sức khỏe của Ch. đã dần ổn định. Được biết, trong đêm giao thừa, Ch. cùng bạn bè uống nhiều bia. Biết mình không tự đi xe máy được nên Ch. đã để bạn đưa về. Tuy nhiên, người bạn điều khiển xe cũng uống bia nên không kiểm soát được tốc độ và đã tự đâm xe vào vỉa hè dẫn đến tai nạn.


Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho nhiều bệnh nhân bị xơ gan, xuất huyết tiêu hóa
 do uống nhiều rượu bia


Những ngày qua, mỗi ngày Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận từ 10 - 15 ca vào điều trị, tăng khoảng 30% so với ngày thường. Đặc biệt, 70% số bệnh nhân có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng, có trường hợp hôn mê sâu. Phần lớn số ca tai nạn giao thông đều xảy ra ở khu vực nông thôn và độ tuổi của các nạn nhân còn trẻ.


Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở Khoa Ngoại 1 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với tất cả hơn 40 bệnh nhân đang điều trị là do tai nạn giao thông. Bác sĩ Trương Trọng Phương ở Khoa Ngoại 1 cho biết: “Số bệnh nhân vào khoa đều đặn hằng ngày từ 8 - 10 ca. Qua tiếp xúc, cấp cứu thì phát hiện thấy mùi rượu, bia trên nhiều bệnh nhân. Bệnh nhân đang điều trị tại khoa thường trong tình trạng gãy xương chân, tay, vai… và có 4 ca đã phải chuyển lên tuyến trên do biểu hiện nặng”.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tỷ lệ chấn thương sọ não đối với bệnh nhân có sử dụng rượu, bia cao hơn người bình thường nếu ở cùng một tư thế ngã. Những tổn thương khác như vỡ gan, vỡ lách, gãy xương, xuất huyết nội tạng cũng cao hơn. Thực tế, không ít trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông khi đưa vào cấp cứu không phát hiện được chấn thương, nhưng bệnh nhân có cảm giác khó thở. Trường hợp này, nếu không phát hiện kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong do bệnh nhân bị ngộ độc rượu, gây tràn máu ngoài màng tim. Để ngăn chặn những hiểm họa khôn lường từ rượu, bia gây ra, mỗi người cần nâng cao ý thức tự chủ, tự hạn chế sử dụng rượu, bia. Nếu đã uống rượu, bia thì không nên điều khiển xe, tránh gây ra tai nạn cho bản thân và người khác.

 VŨ HẠNH      

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa từ rượu, bia