Sim không chính chủ (sim rác) kích hoạt từ ngày 1-4 đến 30-9-2016 chưa đăng ký lại sẽ bị chặn 2 chiều từ ngày 21-11.
Khách hàng nên đến các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để đăng ký lại thông tin
Sim kích hoạt trong tháng 10-2016 không được đăng ký lại cũng bị chặn từ ngày 22-12. Sim được kích hoạt từ ngày 1-11-2016 phải đăng ký chính chủ... Quy định này của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) khiến các cửa hàng bán sim rác hết đất làm ăn.
Sau khi có quy định trên, các đại lý sim trong tỉnh đã ngừng nhập hàng, tập trung bán số sim tồn đọng và tư vấn khách hàng đăng ký thông tin chính chủ tại các điểm giao dịch của nhà mạng. Chiều 22-11, chưa đầy 10 phút, tại đại lý sim Thành Phát ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) có tới 5 khách hàng mang sim đến thắc mắc về việc bị khóa dịch vụ. Ông Nguyễn Đình Phong ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) đang dùng một sim MobiZone đã bị chặn cả gọi và nhắn tin. "Trong tài khoản còn hơn 170.000 đồng, tôi không biết số tiền này có bị mất không", ông Phong sốt ruột hỏi chủ đại lý. Anh Trần Thanh Tùng ở phường Lê Thanh Nghị mua một chiếc sim Vinaphone sáng 22-11 thì ngay chiều cùng ngày, anh phải trả lại vì chưa kịp dùng đã bị khóa cả 2 chiều.
Tại các đại lý bán sim, có nhiều khách hàng phản ứng vì sim bị khóa dịch vụ. Nguyên nhân do khách hàng chuộng các loại sim rác đã được kích hoạt sẵn tại các đại lý vì dễ mua, giá rẻ, tài khoản khuyến mãi lớn lại không phải kê khai bất cứ thông tin gì vì thông tin được khai từ trước. “Nhiều người có thói quen dùng hết tiền trong tài khoản là vứt bỏ, mua sim rác mới để hưởng khuyến mãi lớn thay vì mua thẻ nạp tối đa chỉ được 50% giá trị thẻ”, anh Kiều Văn Thanh, chủ đại lý sim ở 325B đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) cho biết.
Sự quyết liệt của Bộ TTTT, cùng việc các nhà mạng siết chặt quản lý sim khiến các đại lý bán sim gặp khó khăn. Lượng sim bán ra chỉ bằng 1/10 so với trước, chủ yếu bán cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng lâu dài. Chị Lê Thị Châm, chủ đại lý sim Thành Phát cho biết trước đây mỗi ngày chị bán ra khoảng 20-30 sim loại này nhưng hiện chỉ còn từ 2-3 chiếc.
Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 điểm bán sim Vinaphone, 1.900 điểm bán sim Viettel, vài nghìn điểm bán sim MobiFone... Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương, Vinaphone đã chặn khoảng 17.000 thuê bao không chính chủ trên địa bàn tỉnh, Viettel chặn khoảng 21.000 thuê bao theo quy định của Bộ TTTT. Còn đại diện lãnh đạo MobiFone tại Hải Dương cho biết số lượng thuê bao rác bị chặn phải do Tổng công ty Viễn thông MobiFone cung cấp.
Theo các nhà mạng, khoảng 80% số sim thuộc diện phải thu hồi vẫn đang nằm ở hệ thống kênh bán hàng. Sau ngày 31-12-2016, nếu các cửa hàng không tiêu thụ được hết số sim này, nhà mạng sẽ thu hồi toàn bộ. Như vậy, các đại lý sẽ thiệt lớn nếu không có sự hỗ trợ của các nhà mạng. Một số chủ đại lý sim lớn cho biết sim rác ra đời do các nhà mạng ép doanh số các nhân viên khiến họ khai khống thông tin cá nhân để kích hoạt sim và đưa nguồn hàng này xuống đại lý. Chính vì vậy, đa số chủ các đại lý mong muốn sau ngày 31-12, cùng với việc thu hồi lại toàn bộ số sim rác trên thị trường, nhà mạng sẽ có cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các đại lý.
Nói về vấn đề này, đại diện một số chi nhánh viễn thông di động trong tỉnh cho biết các nhà mạng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ các đại lý bán sim. Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, tài khoản của tất cả các sim rác bị chặn dịch vụ đều được giữ nguyên sau khi khách hàng đăng ký lại thông tin chính chủ.
Không chỉ quyền lợi của người sử dụng, các đại lý bán sim bị ảnh hưởng mà ngay cả nhà mạng cũng bị tác động không nhỏ. Bà Trần Thị Mai Hiên, Trưởng Phòng Điều hành nghiệp vụ (Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương) cho biết nếu như trước đây, mỗi tháng đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 10.000-15.000 sim Vinaphone thì nay chỉ còn 2.000-3.000 sim, doanh thu sụt giảm hàng tỷ đồng. Đối với Chi nhánh Viettel Hải Dương, con số thiệt hại cụ thể hiện chưa được thống kê nhưng trước mắt, nhà mạng đầu tư thêm một khoản chi phí lớn cho việc rà soát, chặn dịch vụ, hỗ trợ khách hàng đăng ký lại thông tin đối với những thuê bao không chính chủ.
Việc Bộ TTTT siết chặt quản lý sim trả trước của góp phần minh bạch hóa thị trường viễn thông, tránh lãng phí tài nguyên số, giảm tình trạng tin nhắn rác, bảo đảm an ninh thông tin. Sở TTTT tỉnh cũng đã có kế hoạch cụ thể cho đợt thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, các cửa hàng, đại lý, điểm bán sim trên địa bàn tỉnh, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
PV