Từng cử chỉ của các thầy thuốc, từ việc vệ sinh rồi cho các cháu uống sữa mới thấy hết được sự yêu thương của họ dành cho những đứa trẻ bất hạnh...
Các cán bộ, y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tận tâm chăm sóc các cháu bị bỏ rơi
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người bệnh, các y bác sĩ và điều dưỡng viên của Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi Hải Dương) còn là những "ông bố, bà mẹ" đảm đang, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu bé bị bỏ rơi. Nhìn từng cử chỉ của các thầy thuốc, từ việc vệ sinh rồi cho các cháu uống sữa mới thấy hết được sự yêu thương của họ dành cho những đứa trẻ bất hạnh. Với các cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt, không có người thân, các y bác sĩ và nhân viên y tế đảm nhận việc chăm sóc toàn bộ trong suốt thời gian điều trị. Cháu Bùi Ngọc Hương là trường hợp trẻ bị bỏ rơi và đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Khi bị ốm, cháu được nhân viên trung tâm chuyển vào bệnh viện. Tại đây, mọi việc tiếp theo từ đưa cháu đi làm thủ tục nhập viện, thăm khám và nuôi dưỡng đều do cán bộ Khoa Hồi sức cấp cứu đảm nhận. Sau khi điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, bệnh viện sẽ thông báo để cán bộ trung tâm đón cháu về.
Điều dưỡng Lê Văn Dương cho biết, hằng ngày khi đến nhận buồng, trước tiên anh chăm sóc, vệ sinh thân thể cho các cháu, thay quần áo, sau đó thực hiện các y lệnh của bác sĩ và cho trẻ ăn. Đối với những cháu có mẹ, khi đói sẽ được mẹ cho bú nhưng với những trẻ bị bỏ rơi thì cứ 3 tiếng anh lại cho cháu bé uống sữa một lần. Là nam giới không khéo tay nhưng với sự cảm thông, lòng yêu nghề nên anh cũng như các điều dưỡng viên khác đều cố gắng chăm sóc các cháu một cách chu đáo nhất.
Cán bộ, y bác sĩ Khoa Haồi sức cấp cứu tham mưu với ban lãnh đạo bệnh viện xây dựng hòm tiền ủng hộ các cháu và phát động cán bộ, nhân viên y tế trong toàn bệnh viện ủng hộ quỹ để mỗi khi có bé bị bỏ rơi vào điều trị sẽ được chăm sóc chu đáo hơn. Trung bình một tháng, Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện thu dung điều trị từ 7 - 10 trường hợp trẻ không có cha mẹ. Trẻ đến nhập viện đều trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, nhiều bé đã bị HIV từ bố mẹ truyền sang. Trẻ bị bỏ rơi sức đề kháng thường kém, nhẹ cân, non yếu nên việc chăm sóc càng khó khăn. Trẻ phải nằm ở phòng theo dõi đặc biệt. Nhiều trẻ bị bỏ rơi ngoài đường được người dân đưa tới cấp cứu. Lúc này các bác sĩ, điều dưỡng của khoa như những "người mẹ, người cha" đỡ đầu cho cháu. Quyên góp tiền ủng hộ mua sữa, mua bỉm, bảo lãnh cho trẻ không có giấy tờ tùy thân để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế... là những công việc quen thuộc đối với các y bác sĩ trong khoa. Bác sĩ Phạm Văn Nghĩa cho biết việc điều trị cho các trẻ không cha mẹ đã trở thành quen thuộc. Nhiều trẻ đẻ non bị bỏ rơi, thời gian điều trị lâu, chăm sóc dài nên khó khăn về kinh phí, các anh phải quyên góp và xin viện hỗ trợ thêm cho các cháu. Không chỉ chăm nom từng giấc ngủ, theo dõi trẻ lúc sốt, lúc quấy khóc, sau khi điều trị khỏi các anh lại đi kêu gọi lòng hảo tâm, thậm chí phải làm thủ tục để Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc nhà chùa đón nhận nuôi dưỡng các cháu.
Những nghĩa cử cao đẹp hết lòng vì bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân có hoàn cảnh không may mắn của các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu thật đáng trân trọng.
ĐỨC THÀNH