Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016 nhưng đến nay hệ thống nước tưới tiên tiến ở thôn Thái Thạch, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) vẫn chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng.
Một số hộ trồng cây ăn quả đào rãnh sâu để chứa nước nên việc sử dụng nước từ hệ thống tưới tiên tiến chưa hiệu quả
Thiếu nước
Bà Trịnh Thị Ly ở thôn Thái Thạch có hơn 2 sào ruộng ở cánh đồng Màu, nơi được huyện lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến. Vụ này, bà trồng hơn 2 sào ngô nhưng chưa được thu hoạch thì ngô đã chết khô do không có nước tưới. "Khu ruộng này nằm ở cuối hệ thống tưới tự động nên nước tưới rất yếu, nhiều hôm còn không có nước. Những vụ trước, tôi còn tận dụng được nguồn nước mưa nhưng đợt này nắng nóng kéo dài, không đủ nước tưới cho cây nên đành bỏ dở vụ ngô. Nhiều hộ ở đây cũng phải bỏ vụ ngô vì không đủ nước tưới cho cây", bà Ly nói.
Ông Lương Xuân Bắc ở cùng thôn có hơn 1 sào ruộng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ở khu vực này. Nắng nóng kéo dài lại không mưa làm ông phải khổ sở tìm nước tưới cho vườn cây ăn quả sắp được thu hoạch. Ông Bắc cho biết: "Trước đây, khi chưa được lắp đặt hệ thống nước tưới tiên tiến, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã dùng máy bơm dã chiến để cấp nước cho toàn bộ vùng chuyển đổi. Đến nay, dù được huyện quan tâm lắp đặt hệ thống nước tưới tự động nhưng chúng tôi vẫn phải múc từng thùng nước để tưới cho cây trồng nên hiệu quả không bằng trước. Nhà tôi vẫn may mắn hơn các hộ chuyển đổi khác bởi có đào rãnh nên tích trữ được nước mưa để tưới cây. Nhiều vườn cây ăn quả ở đây cằn cỗi, chậm phát triển do không đủ nước tưới".
Theo nhiều hộ dân ở đây, chỉ những hộ ở ngay đầu hệ thống tưới tự động mới sử dụng hiệu quả, những hộ ở cuối nguồn đều thiếu nước. Người dân đã nhiều lần đề nghị HTX Dịch vụ nông nghiệp xã sử dụng thêm máy bơm dã chiến để bảo đảm nguồn nước tưới. Các hộ có diện tích ở khu vực này tự nguyện nộp tiền điện để vận hành máy bơm. Nhưng đến nay, toàn bộ khu đồng Màu vẫn bị thiếu nước tưới dù được ứng dụng hệ thống tưới tự động tiên tiến.
Sử dụng chưa hợp lý
Cuối năm 2016, thôn Thái Thạch có gần 13,7 ha đất nông nghiệp ở khu đồng Màu được ứng dụng hệ thống nước tưới tự động. Trong đó có hơn 6 ha trồng cây ăn quả, 6 ha trồng màu, diện tích còn lại cấy lúa. Hệ thống nước tưới tự động có tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Bá Tiếp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hùng Sơn, việc chuyển đổi cây trồng thiếu đồng bộ là nguyên nhân chính làm cho việc sử dụng hệ thống nước tưới tự động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, đường ống nước nhỏ, áp lực yếu nên không cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ khu vực. Để khắc phục tình trạng này, HTX đã chia đồng Màu thành 3 khu vực để luân phiên bơm nước. Cuối năm 2017, UBND xã Hùng Sơn đã trích ngân sách gần 20 triệu đồng để thay thế hơn 100 m ống nước mới với đường kính lớn hơn. Mặc dù vậy, các ruộng ở cuối nguồn vẫn thiếu nước.
"UBND xã Hùng Sơn và HTX đang lên phương án thay thế một số đoạn ống nước nhỏ và tăng cường dùng máy bơm dã chiến để phục vụ nhu cầu nước tưới của người dân. Nhưng do kinh phí lắp đặt lớn nên đến nay, HTX vẫn chưa tìm được phương án tốt nhất. Việc chia khu vực và bơm nước theo lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nước tưới, đặc biệt là những ngày nắng nóng kéo dài. Do đó, hệ thống tưới tiên tiến chưa thực sự phát huy được hiệu quả", ông Tiếp nói.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, hệ thống nước tưới tiên tiến được thiết kế và sử dụng cho các vùng chuyên canh rau màu ở nhiều nơi trong huyện đã phát huy hiệu quả cao. Hệ thống này tại thôn Thái Thạch chưa hiệu quả do nhiều hộ dân trồng cây ăn quả có đào rãnh sâu chứa nước; một số hộ cấy lúa nên việc cung cấp nước cho số diện tích này khó khăn. Lãnh đạo huyện đã giao cho các phòng, ban liên quan và UBND xã Hùng Sơn, đơn vị thi công kiểm tra để có biện pháp khắc phục, lắp đặt thêm hệ thống đường ống dẫn nước và hệ thống đẩy áp lực nước. Huyện cũng yêu cầu UBND xã Hùng Sơn xây dựng quy chế vận hành sử dụng hệ thống nước tưới. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân sử dụng hệ thống tưới cho phù hợp và tiết kiệm nước.
TRẦN HIỀN