Mấy ngày nay hình như tiếng ve ngân cũng đã thưa thớt dần. Không ra rả, ràn rạt như tháng 5 đầu hạ, tiếng ve bây giờ rời rạc, rộ lên một loạt rồi tắt lịm. Thay vào đó là cái nắng chói chang, gay gắt đầu hè, là những cơn mưa giông chợt ào lên rồi tạnh. Dưới gốc cây phượng vĩ, bên những xác hoa là xác những chú ve con. Sau những ngày rút hết ruột gan để gọi nhau, cùng nhau ca hát, tặng cho mùa hè bản tình ca hay nhất của tuổi học trò, bây giờ chúng đã thảnh thơi trở về với cát bụi. Lũ trẻ con thi nhau, đứa thì nhặt hoa phượng đỏ, đứa thì nhặt xác ve cho vào lọ hoặc xâu thành từng xâu dài đùa nghịch. Sân trường giờ vắng hoe. Thầy trò đã nghỉ hè. Cái trống trường buồn tênh lặng lẽ, im lìm nằm trong góc nhà điều hành. Lũ bàn ghế cũng vậy, gối đầu lên nhau ngủ yên trong từng lớp học. Chỉ có bác bảo vệ ngày ngày vẫn cặm cụi vào ra quét dọn, trông coi.
Tháng 6 về rồi. Mở đầu tháng, ngày đầu tiên của tháng là Tết Thiếu nhi 1-6. Cuối tháng là Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Chả thế mà người ta đặt cho tháng này là Tháng hành động vì trẻ em, có năm là tháng gia đình. Sau chín tháng mê mải học ở trường, ở lớp, các em giờ đã được nghỉ ngơi. Bầy chim non tung cánh bay về khắp ngả. Các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên các cấp, từ thành phố đến nông thôn, từ làng quê đến thị xã, từ miền núi đến hải đảo đều dang rộng vòng tay để đón các em. Các chuyến du lịch, tham quan được tổ chức. Các sân chơi, bãi tập nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng hò hát, đàn sáo từ các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu vang lên rộn ràng. Ông bà, cha mẹ được dịp quây quần gần gũi với con cháu. Đẹp biết bao hình ảnh ông, bà dắt cháu đi chơi, đến công viên, thăm hàng xóm, dạo quanh làng, cha mẹ đưa con đi dạo phố, vào siêu thị. Những phần thưởng với nhiều hình thức tặng cho con trẻ được các gia đình thể hiện thật phong phú.
Ở làng quê những đêm trăng sáng, trẻ em không phải học bài mà nằm khểnh cùng ông bà, cha mẹ ngắm trăng sao, nghe kể chuyện cổ tích. Chúng tụ tập với nhau chơi trò đuổi bắt, trốn tìm quanh gốc cây rơm, trong vườn, ngoài ngõ để tiếng reo hò, cãi cọ nhau rộn vang cả góc xóm. Ban ngày, chúng được chạy nhảy ngoài đồng, đứa cưỡi trâu, đứa đuổi sáo, đứa bắt cào cào, châu chấu. Rồi thì chi chi chành chành, rồi lại đánh chắt, chơi ô ăn quan... Chiều về, trên triền đê lộng gió hay vạt đồi tím ngát sim mua, chúng lại thoải mái chạy theo những cánh diều thả những ước mơ lên trời. Gió đẩy tiếng sáo diều vi vút mãi lên cao. Những cơn mưa rào bất chợt, cả lũ tồng ngồng tắm trong mưa. Thôi thì đủ thứ trò chơi trong cái thế giới tuổi thơ đầy huyền ảo. Đây chính là môi trường thân thiện nhất của tuổi học trò. Những trò chơi dân gian ấy, ánh mắt, nụ cười tinh nghịch ấy rồi sẽ ăn sâu thành kỷ niệm để mai này còn theo mãi trong nhau.
Ở phố, trẻ em vào hè cũng có những thoải mái thú vị riêng. Chúng được đi công viên, đến các câu lạc bộ năng khiếu để vừa học vừa chơi những trò, những môn mà chúng thích. Đàn oóc-gan, khiêu vũ, học vẽ, võ thuật, bóng bàn, bóng đá... em nào thích môn gì thì đăng ký và theo học môn đó. Vui lắm. Thích lắm. Chả thế mà vừa sáng dậy các em đã rủ nhau đến các câu lạc bộ. Rồi các hội thi, hội thao, hội diễn nữa chứ. Các em tha hồ bộc lộ tài năng, tha hồ thể hiện mình. Nhưng có lẽ thích nhất, khoái nhất là được bố mẹ, ông bà cho đi du lịch tham quan, đặc biệt là về quê. Làng quê, nơi mà các em chỉ biết trên những trang sách thì giờ đây nó hiển hiện bao la ở ngay trước mặt, tha hồ mà chạy nhảy, tha hồ mà thở hít khí trời. Kia là con trâu màu đen chứ không phải con bò màu vàng. Nọ là cây vải quả to chứ không phải là cây nhãn quả nhỏ. Đây là con châu chấu bằng xương bằng thịt chứ không phải là con cào cào hay châu chấu vẽ trên sách vở nữa nhé. Bao nhiêu thứ với các em vừa quen lại vừa lạ. Đi ngày đàng học sàng khôn, khỏi phải nói nhiều, giảng giải nhiều. Và gió. Và nắng. Và không gian nữa chứ. Tha hồ miên man. Tha hồ chạy nhảy. Chẳng còn bị bó buộc trong bốn bức tường, trên vỉa hè thường bị người lớn tranh nhau lấn chiếm nữa.
Và vẫn còn đó những trẻ em nghèo lang thang trên khắp ngả đường đời. Tranh thủ những ngày nghỉ học, các em phải lăn lộn mưu sinh. Có em đi bán kem, có em đi đánh giày, bán vé số. Có em phải đi nhặt rác. Lại có em phải làm cả những việc của người lớn. Bốc vác, gánh gạch, phụ vữa... thôi thì đủ thứ việc nặng nhọc để kiếm tiền. Nhiều trẻ em bị người lớn lợi dụng, lạm dụng. Vì cuộc sống mưu sinh, các em lên phố. Bữa đói, bữa no. Ngủ đường, ngủ chợ. Giữa trưa hè nắng gắt các em đội nắng bán kem, bán vé số. Đêm hôm khuya khoắt chưa có lối về vẫn phải rửa bát, nhặt rau cho các nhà hàng, bưng bê quét dọn cho các ông chủ, bà chủ. Có em còn bị đánh đập, hắt hủi. Thậm chí, có em gái còn bị lạm dụng tình dục. Thấy những cảnh đó làm sao lòng chúng ta yên được chứ? Người lớn tử tế đi đâu hết cả rồi? Sao lại để những đứa trẻ sớm phải chịu những cảnh khổ đau như thế? Cũng là trẻ em sao có em hồn nhiên vui chơi giữa vòng tay ấm áp của gia đình, bè bạn, của đoàn thể, xã hội, lại có em lạc lõng, bơ vơ, quần quật bươn chải trong cuộc sống mưu sinh? Thương lắm những mảnh đời bất hạnh! Mùa hè của các em đâu?
Tháng 6 tưng bừng mùa hạ. Hãy để tiếng cười, tiếng hát hồn nhiên của trẻ em vang lên trong trẻo giữa đời này. Bằng những việc làm cụ thể, mỗi chúng ta hãy làm cho Tháng hành động vì trẻ em này có ý nghĩa thiết thực nhất, mùa hè ơi!
Tản bút của Xuân Thu